Ngành giáo dục - đào tạo: Đối mặt với áp lực gia tăng học sinh nhập cư

Cập nhật: 18-12-2012 | 00:00:00

 Học sinh gia tăng đến chóng mặt

Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, đã thu hút một lượng lớn lao động từ ngoài tỉnh đến, kéo theo đó là HS đối tượng này cũng gia tăng theo. Các huyện, thị: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, hàng năm số HS gia tăng khoảng 10 - 15%, chủ yếu là HS mầm non, tiểu học. Bà Đặng Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho biết, hàng năm TX.Thuận An luôn chịu nhiều áp lực quá tải HS các cấp. Mùa tuyển sinh năm nay, chỉ riêng HS lớp 1 tăng tương đương 12 lớp. Các địa bàn như: Thuận Giao, Bình Hòa, Bình Chuẩn số HS tăng rất nhiều. Tại TX.Dĩ An cũng vậy, mỗi năm Dĩ An tiếp nhận thêm hàng ngàn HS các cấp. Mấy năm nay các trường mầm non, tiểu học ở địa bàn các xã, thị trấn Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa của huyện Bến Cát luôn quá tải HS. HS cứ nở ra trong khi trường lớp chưa phát triển kịp khiến cho các trường lao đao.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, HS gia tăng nhanh làm cho ngành khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng giáo dục, phá vỡ hệ thống 2 buổi, trường chuẩn quốc gia. Biện pháp xử lý trước mắt là các trường mẫu giáo tăng số cháu nhóm trẻ mẫu giáo lên 45 - 50 cháu/lớp, tiểu học giảm số lớp học 2 buổi của từng đơn vị, tăng sỉ số HS lên 45 - 50 em/lớp.

Giải pháp trước mắt

Áp lực dân số tăng dẫn đến gia tăng HS, mạng lưới trường lớp phát triển mạnh mới đáp ứng được nhu cầu HS tăng thêm. Nhưng do HS gia tăng với số lượng lớn và liên tục, nên dù tỉnh có quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Trách nhiệm của ngành là phải lo cho các em có đủ chỗ học.

Để không xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu thầy, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế trước mắt. Cho phép các trường thu nhận HS vượt sĩ số, giảm số lớp học 2 buổi/ ngày đối với những trường quá tải. Ở cấp mầm non cho phép hợp đồng bảo mẫu cho các nhóm/lớp để hỗ trợ giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với các trường sư phạm, trường chuyên nghiệp mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn cho bảo mẫu đáp ứng kỹ năng nghiệp vụ tối thiểu trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Thời gian qua, hệ thống các trường mầm non ngoài công lập phát triển mạnh đã góp phần cùng các trường công thu nhận trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Khuyến khích chủ trương xã hội hóa, ngành tăng cường tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, điều kiện thành lập trường, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Định hướng phát triển

Theo dự báo trong 5 năm tới mỗi năm tăng từ 18.000 - 20.000 HS. Như vậy từ nay đến năm 2015 cần có thêm từ 60 - 80 trường. Những năm qua, ngành GD-ĐT đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho nhu cầu phát triển giáo dục. Tuy nhiên do những huyện, thị phát triển công nghiệp, kèm theo là lượng dân nhập cư gia tăng nên nhu cầu xây dựng thêm trường lớp phục vụ cho số HS tăng thêm hàng năm càng trở nên bức xúc. Giai đoạn từ năm 2011-2015 tỉnh tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố và đồng bộ về xây lắp và thiết bị theo từng loại hình trường.

Theo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trường học, đến năm 2015 sẽ có 333 công trình trường với số vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng, trong đó có trên 80 công trình xây dựng mới. Việc kiên cố hóa, hiện đại hóa và đồng bộ cơ sở vật chất trường học ưu tiên cho 30 xã nông thôn mới; đáp ứng phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ trường 2 buổi; nâng tỷ lệ lầu hóa 50% đối với trường mầm non, 70% trường tiểu học.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT còn cho biết, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục dành quỹ đất hợp lý hoặc quỹ đất sạch để xây dựng mới trường học phục vụ phát triển giáo dục, xây dựng mới thay thế, xây dựng cải tạo nâng cấp mở rộng các trường công lập hoặc giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục. Chăm lo cho đội ngũ nhà giáo cũng là công việc cần làm để động viên giáo viên yên tâm công tác. Ngành sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành chế độ, chính sách, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, nhất là giáo viên ngoài công lập.

Giám đốc sở GD-ĐT Dương Thế Phương: Dành quỹ đất phát triển giáo dục

Hàng năm, cơ sở vật chất trường lớp ở các địa bàn trong tỉnh được xây dựng thêm, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp do gia tăng số HS thuộc diện nhập cư. Vậy giải pháp nào để giải bài toán này? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương.

- Nhiều năm qua, tình trạng quá tải HS đã gây không ít khó khăn cho ngành trong hoạt động dạy và học. Theo ông, tỉnh cần có những giải pháp căn cơ gì để không còn thiếu trường, thiếu lớp phải tăng sĩ số HS ở mỗi lớp, giảm các lớp 2 buổi/ngày?

- Năm học 2012-2013 toàn tỉnh tăng trên 22.000 HS và tăng 32 trường, dự báo những năm tới sẽ còn tiếp tục tăng. Để giải quyết bài toán quá tải, HS cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài. UBND huyện, thị, thành phố cần quy hoạch, dành quỹ đất phát triển giáo dục. Các dự án dân cư cần xem xét lại, có biện pháp thu hồi, dành quỹ đất cho giáo dục; các dự án được cấp phép cần tính đến quỹ đất cho việc xây dựng trường mầm non. Ngành cũng tham mưu UBND tỉnh động viên và cho phép các doanh nghiệp có điều kiện quỹ đất được xây dựng các nhà giữ trẻ cho công nhân, mà không cần điều chỉnh lại mục đích sử dụng đất. Khi quy hoạch xây dựng khu công nghiệp và hình thành các khu tái định cư thì phải quy hoạch quỹ đất phát triển cho giáo dục theo mức độ tương ứng. Có chính sách mở, thoáng hơn nhằm động viên xã hội hóa giáo dục đối với ngành học mầm non.

- Có ý kiến cho rằng, cần có giải pháp để tính đến chuyện giảm HS nhập cư, ông nghĩ gì về điều này, thưa ông?

- Là tỉnh phát triển công nghiệp, cần lượng lao động cần thiết đáp ứng cho các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp. Số lao động này chủ yếu là dân ngoài tỉnh. Dân nhập cư tăng tất yếu kéo theo gia tăng số HS thuộc diện này. Chăm lo việc học tập cho các cháu là trách nhiệm của ngành giáo dục và toàn xã hội. Để giảm lượng lao động nhập cư, tôi nghĩ các doanh nghiệp cần tính đến việc mở ngành nghề kỹ thuật cao, ít sử dụng lao động, thay cho những ngành cần nhiều lao động như hiện nay. Tỉnh có nhiều chính sách xã hội hóa hơn để động viên, khuyến khích chủ đầu tư xây dựng trường học, nhất là ở ngành học mầm non.

- Số HS ở mỗi lớp tăng thêm, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng. Vậy ngành có những biện pháp gì để duy trì chất lượng, thưa ông?

- HS gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng, đặc biệt mầm non, tiểu học phải giảm lớp 2 buổi. Để duy trì chất lượng, ngành đã tăng cường bồi dưỡng đội ngũ, thay đổi phương pháp giảng dạy, tổ chức phụ đạo HS, bố trí lại lịch học để giáo viên có thời gian hỗ trợ HS nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngành phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất, để mỗi năm có thêm những công trình trường mới, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, nhất là ở những địa bàn tập trung đông dân nhập cư.

- Xin cảm ơn ông!

A.SÁNG (thực hiện)

 H.THÁI - N.THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=366
Quay lên trên
X