Ngành gỗ cần chủ động hơn

Cập nhật: 12-09-2018 | 08:41:22

 Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 8-2018 ước đạt 730 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu chung trong 8 tháng năm 2018 ước đạt 5,59 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,89 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.

Có thể thấy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Việc áp thuế qua lại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tác động tiêu cực, lan tỏa dần từ thương mại sang sản xuất của các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia này hiện chưa có tác động rõ nét tới ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ trong nước vẫn rất khả quan. Các doanh nghiệp gỗ trong nước đang có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong thời gian tới. Có thể kể đến như cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại Mỹ khi hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế; dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có khả năng tăng mạnh khi nhiều nước dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam; về tác động tỷ giá, tỷ giá đồng USD tăng so với VND sẽ rất tốt cho xuất khẩu...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho ngành gỗ phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt cột mốc 20 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp gỗ trong nước cần tận dụng tối đa thời cơ hơn là “thắc mắc” về những khó khăn sẽ phát sinh ở thị trường đồ gỗ toàn cầu. Thực tế cho thấy, lợi thế công nhân giá rẻ trong thời gian tới sẽ không còn là điểm nổi bật của ngành gỗ Việt Nam. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đối với thị trường xuất khẩu, sản phẩm gỗ trong nước ngày càng được nhiều khách hàng các nước quan tâm, bởi chất lượng và uy tín gỗ của Việt Nam đã được khẳng định trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, để ngành gỗ phát triển bền vững, thị trường nội địa cần được các doanh nghiệp khai thác triệt để. Hiện nay, thị phần gỗ nội địa đang là “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam...

Ngành gỗ Việt Nam đang đứng tốp 5 trên thế giới về giá trị xuất khẩu, vậy nên cần sớm chiếm lĩnh thị phần trong nước. Mở rộng thị trường xuất khẩu, chinh phục thị trường trong nước chính là cách làm để đưa ngành gỗ trong nước phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới. Để đạt được kết quả này, sự chủ động đón nhận thời cơ, phân tích thị trường để đưa ra chiến lược đúng đắn là công việc bắt buộc mỗi doanh nghiệp gỗ trong nước phải bắt tay vào làm ngay.

 HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên