Nghề không đơn giản...

Cập nhật: 09-05-2012 | 00:00:00

Đinh Duy Ngọc (ảnh), người đã từng tham gia gần 150 bộ phim, đã có hơn chục năm làm công tác chủ nhiệm phim và hiện đang rất tất bật với bộ phim nhựa “Ranh giới trắng đen” trong vai trò chủ nhiệm, nhưng anh cũng đã vui vẻ thu xếp thời giờ để tiếp chuyện cùng chúng tôi...

- Anh có thể cho biết cái khó nhất của người chủ nhiệm là gì?

- Cân đối tài chính... nghĩa là mình phải làm sao để vừa lòng ĐD mà không phật lòng nhà sản suất. ĐD thì lúc nào cũng muốn cảnh quay đẹp, hoành tráng... mà như vậy thì phải tốn nhiều tiền, trong khi đó, nhà sản xuất bao giờ cũng muốn chi phí thấp nhất... Trong trường hợp này, mình phải xem xét từng cảnh quay để có thể đưa ra nhận xét nhằm góp ý, thuyết phục ĐD hoặc nhà sản xuất với sự trung thực, hợp lý nhất... để hài hòa đôi bên.

- Nghĩa là chủ nhiệm còn phải rành chuyên môn về điện ảnh?

- Phải hiểu rõ tất cả những khái niệm về điện ảnh, như: diễn xuất, quay phim, âm thanh ánh sáng, thiết kế, dựng phim... nữa, như vậy mới góp ý được chứ... 

- Chủ nhiệm phim cần những đức tính gì?

- Ngoài những hiểu biết như tôi vừa kể, quan trọng nhất đó là sự liêm chính. Mình có thể đề nghị mức lương hợp lý nhưng tuyệt đối không được tơ hào dù là một đồng, một cắc nào của nhà sản xuất. Có như vậy mới khiển được các bộ phận khác trong đoàn phim và (cười) mới “sống” được tới ngày hôm nay... Thứ đến là năng lực quan hệ; phải làm sao cho tiến độ phim trôi chảy nhất, ít tốn kém nhất... Chẳng hạn, khi đến quay tại một địa phương nào đó, nếu quan hệ không tốt, công việc sẽ bị ách lại, mà cứ một giờ trôi qua với hàng chục, hàng trăm người ngồi không thì sẽ hao tốn biết chừng nào...

 Còn NSƯT Hồ Kiểng thì tâm sự: “Năm 1976, tôi vừa làm diễn viên vừa kiêm luôn chủ nhiệm phim “Cô Nhíp”. Trong phim có nhiều cảnh ác ôn đập phá tung tóe nào là dưa hấu, bí bầu, hột vịt... của dân. Thế là sau cảnh quay ấy, chủ hàng kiểm tra hàng nào giập, bể để tính tiền với đoàn làm phim. Thanh toán tiền hàng cho bà con xong, tôi  phải mang những thứ giập, bể đó ra chợ ngồi bán lại từng món gom tiền mới đủ kinh phí làm nốt bộ phim...”.

Để được phân công làm chủ nhiệm một bộ phim thật không dễ dàng, ngoài năng lực, chuyên môn, bản chất còn phải có được sự tin cậy từ phía nhà sản xuất bởi tất cả tiền bạc chi phí cho một bộ phim hiện nay có khi lên đến cả chục tỷ đồng đều do chủ nhiệm nắm giữ, hoặc không có tiền nhiều như trường hợp của chủ nhiệm Hồ Kiểng thì trách nhiệm đối với bộ phim thật vô cùng lớn... Thế nhưng, trong các cuộc trao giải thưởng cho phim ảnh, chưa hề thấy một chủ nhiệm phim nào được vinh danh...

 DẠ TRẦM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên