Hồi hộp, thấp thỏm, kỳ vọng… là tâm trạng chung của phụ huynh và học sinh (HS) trong thời gian chờ Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Tâm trạng đợi chờ ai cũng hiểu nhưng không nên quá lo lắng, bởi cơ hội cho HS tiếp tục phát triển sự nghiệp hiện nay đã rộng mở, không còn bó hẹp như xưa.
Nhằm thực hiện phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS cũng như nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10, thời gian qua ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã và đang nỗ lực để lấy chất lượng làm đầu, không chạy theo thành tích.
Từ đó, phát huy được năng lực, trí tuệ ở những HS giỏi, đồng thời định hướng cho HS khác biết được năng lực, sở trường của mình và định hướng nghề nghiệp phù hợp. Theo đánh giá, năm nay bài thi của HS đạt điểm trên trung bình không cao, môn toán có 21,2% HS đạt điểm trên trung bình, môn văn 79,3% số bài đạt trên trung bình, thấp nhất là môn tiếng Anh với 17,95% đã cho thấy có độ phân hóa rất cao. Vì vậy, HS cần đánh giá đúng năng lực của mình khi quyết định đăng ký nguyện vọng. Chọn trường, xét tuyển lớp 10 luôn là sự lo lắng của phụ huynh và các em HS, song gia đình và HS nay đã có nhiều sự lựa chọn, nhiều hướng đi. Nếu như trước đây, quan niệm “thích làm thầy hơn làm thợ” nên hầu hết phụ huynh đều nhắm vào một mục đích bằng mọi cách con em mình phải vào được lớp 10 công lập để sau này thi đậu đại học, cao đẳng thì hiện nay, xã hội đã có cái nhìn thay đổi. Bởi, HS sau THCS được phân vào 4 luồng: Học tiếp lên THPT; học bổ túc THPT; học nghề hoặc trung cấp; tham gia thị trường lao động. Điều này càng thuận lợi hơn khi Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên thực tế, không phải 100% HS tốt nghiệp THCS đều đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập. Những năm gần đây, nhiều HS đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp và không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập như: Học nghề, học văn hóa ở trường quốc tế, trường THPT tư thục, đi du học, học hệ giáo dục thường xuyên và có những HS đã thành công, được vinh danh trên con đường mình đã chọn. Bình Dương là địa phương từng tổ chức nhiều chương trình tôn vinh người lao động cũng là nhằm khích lệ, thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, điều chỉnh chính sách đãi ngộ để những người trẻ lựa chọn học nghề, có đời sống ổn định… Vì vậy, cần có cái nhìn thực tế hơn trong định hướng tương lai cho con em mình, đừng quá nặng nề nếu ai đó có con em mình không trúng tuyển vào các trường theo ý muốn chủ quan của mình.
TRUNG ĐỒNG