Nhiều giải pháp tài chính gỡ khó cho doanh nghiệp

Cập nhật: 11-05-2012 | 00:00:00

Tăng trưởng GDP quý I-2012 đạt 4% là mức thấp nhất kể từ năm 2004 (ngoại trừ quý I-2009), trong đó ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,04%, xây dựng giảm 3,85%, ngành dịch vụ cũng tăng trưởng chậm lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp. Trong đó, sản lượng của nhiều ngành giảm như xi măng (đạt 93,5%), sắt thép (91,1%), xe có động cơ (84,1%), giày da (93,5%)...

Khó khăn chủ quan lẫn khách quan

Theo Bộ Tài chính, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I-2012 tăng 32,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm trước, trong đó tập trung vào một số ngành như chế biến và bảo quản rau quả (tăng 94,8%), phân bón (tăng 63,4%), xi măng (tăng 44,2%), xe máy (tăng 38,9%), may mặc (tăng 35,6%), chế biến thủy sản (tăng 35,2%), sản xuất xe có động cơ (tăng 31,6%). Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh ở các mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô; xăng dầu; linh kiện xe máy; nguyên phụ liệu cho sản xuất, xuất khẩu (vải, bông, sợi dệt...).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hầu hết là khó khăn, biểu hiện là số lượng DN đăng ký mới giảm, số tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản tăng; doanh thu của DN giảm; chỉ số tài chính giảm, chi phí lãi vay tăng; thu thuế nội địa và hải quan giảm; nợ thuế của DN tăng... Khó khăn tập trung chủ yếu ở những ngành như xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thủy sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống; khu vực DN ngoài Nhà nước; DNNVV và một số DN lớn ở những địa bàn lớn như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...

Trước những khó khăn của DN, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ gói tài chính 29.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN và đang trình Quốc hôi quyết định thông qua. Việc đưa ra một loạt các giải pháp cơ chế, chính sách là nhằm giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Về gói tài chính 29.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN, thực chất là tác động vào chính sách thuế, khác hẳn với việc sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ DN cho vay với lãi suất thấp như việc tung tiền mặt trong các gói kích cầu trước đây. Theo Bộ Tài chính, gói giải pháp tài chính đưa ra để hỗ trợ DN trên 5 nguyên tắc: Thứ nhất là để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để lạm phát quay trở lại và tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh; thứ hai hỗ trợ đúng đối tượng DN đang khó khăn; thứ ba có tính đến khả năng cân đối ngân sách, đồng thời tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho DN; thứ tư phối hợp tốt với chính sách điều hành tiền tệ để từng bước cắt giảm lãi suất, chi phí đầu vào cho DN; thứ năm là gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu DN.

Mặc dù các DN bất động sản liên tục phát tín hiệu xin “giải cứu” từ cuối năm ngoái tới nay, nhưng xét toàn diện có nhiều lĩnh vực khác cần được giải cứu chứ không riêng bất động sản, vì vậy hướng tháo gỡ là tập trung vốn tín dụng của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng về điện, giao thông, hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho và ưu tiên vốn tín dụng phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, DNNVV; công nghiệp hỗ trợ.

Có thể nói, gói “giải cứu” DN đang tạo tâm lý tốt, tác động tích cực đến cộng đồng DN. Tất nhiên, việc áp dụng chính sách cũng sẽ có những tác động phân hóa, nếu như DN nào thụ hưởng tốt những chính sách từ kinh tế vĩ mô thì sẽ vượt khó, phát triển tốt và ngược lại những DN yếu kém thì cho dù có sự hỗ trợ từ phía nhà nước cũng khó tồn tại.

5 nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN

Nhóm giải pháp điều hành vĩ mô, là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tùy theo tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng và chỉ số giá tiêu dùng để hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn; cơ cấu lại tín dụng, áp trần lãi suất cho vay 15% đối với các lĩnh vực sản xuất ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, sản xuất xuất khẩu, DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng và thị trường chứng khoán thông qua phát triển thị trường chứng khoán và tiết kiệm giảm 5 - 10% chi phí quản lý ở 5 ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu NSNN, bảo đảm thực hiện thắng lợi dự toán NSNN năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Nhóm giải pháp về chi tiêu công, bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng, nâng mức cho vay lên 4.000 tỷ đồng, cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn; triển khai các giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản; đôn đốc để bảo đảm đủ điều kiện triển khai thực hiện các dự án.

Nhóm giải pháp về thuế và phí, nhiều đối tượng sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012; gia hạn tiền thuế TNDN còn nợ chưa nộp NSNN của năm 2011 trở về trước trong 9 tháng của các DN; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối. Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 của các DN; miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012. Cũng trong nhóm giải pháp này, miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011. Thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô và xe máy cũng được lùi thời hạn.

Nhóm giải pháp điều hành giá bảo đảm giá cả hàng hóa phản ánh đúng giá trị thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ găm giữ hàng hóa nhằm thao túng thị trường giá cả... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng...

Nhóm cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho DN. Cụ thể, rút ngắn thời gian thông quan; tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng; tiếp tục triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng; đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan thông qua các chương trình hiện đại hóa và thuế điện tử; phấn đấu giảm 10 - 15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và DN.

 T.HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=198
Quay lên trên