Nhộn nhịp dự án đầu tư cuối năm 

Cập nhật: 03-11-2015 | 08:12:36

Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương tiếp tục có nhiều cố gắng tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho nhà đầu tư. Nhờ đó, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào tỉnh tiếp tục tăng mạnh.

Thu hút nhiều dự án lớn

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm toàn tỉnh thu hút được hơn 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt 163% kế hoạch cả năm, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong số này có đến 165 dự án đầu tư mới với tổng vốn hơn 910 triệu USD và 107 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 721 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến hết tháng 10-2015, Bình Dương đã thu hút được 2.548 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đã đăng ký hơn 22 tỷ USD.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua không chỉ tăng về tổng vốn đầu tư mà còn tăng cả về quy mô từng dự án. Trong thời gian qua, đáng ghi nhận có dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may. Đó là sự tham gia của Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I lên đến 275 triệu USD. Khi hoàn tất các giai đoạn đầu tư, vốn của dự án sẽ là 1 tỷ USD. Dự án được triển khai trên diện tích 400 ha tại KCN Bàu Bàng, là một chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm quy mô lớn.

  Môi trường đầu tư thông thoáng cùng sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo tỉnh đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư quyết định rót vốn vào Bình Dương. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

Ngày 29-10 vừa qua, Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 3 cho 38 doanh nghiệp FDI, với tổng vốn đầu tư lên đến 531 triệu USD. Trong số này có 23 dự án đầu tư mới với tổng vốn 203 triệu USD. Đáng chú ý trong số này có dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ ở Cụm công nghiệp Thanh An của chủ đầu tư đến từ Samoa, có số vốn khoảng 50 triệu USD, quy mô sản xuất khoảng 100.000 bàn các loại, 200.000 ghế sofa, 150.000 giường tủ… Hay có thể kể đến dự án xây dựng nhà máy Công ty TNHH SJF Vina chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi, vốn đầu tư 10 triệu USD; Công ty TNHH Vistarr Sports sản xuất bóng chày cứng, mềm 1,5 triệu tá/năm với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD…

Cũng tại buổi lễ này, Tập đoàn DDK (Đài Loan) đã đạt được thỏa thuận quan trọng với Công ty Becamex IDC nhằm thuê lại 80 ha đất tại KCN Bàu Bàng. Ông Richard Tsai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn DDK, cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập một liên doanh để đầu tư dự án tại Việt Nam chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp và linh kiện nhựa. Dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đến đầu tư. Khi đi vào hoạt động, dự án chúng tôi có thể tạo việc làm cho khoảng hơn 8.000 lao động”.

Gia tăng niềm tin

Không chỉ nhộn nhịp với các dự án đăng ký mới mà cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cũng đặt trọn niềm tin, tiếp tục tăng vốn đầu tư cho các dự án của mình. Vì thế, trong đợt trao giấy chứng nhận lần này, có 15 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm 328 triệu USD. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đến đầu tư làm ăn tại Bình Dương không chỉ nhìn ra những cơ hội lớn, sớm đầu tư đón đầu mà còn thực sự an tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư thông thoáng của tỉnh cũng như sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của lãnh đạo địa phương.

Sau một thời gian đầu tư sản xuất tại Bình Dương, nắm vững chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư của tỉnh, Công ty TNHH giấy Kraff Vina (liên doanh Thái Lan - Nhật Bản, sản xuất giấy bao bì) quyết định tăng vốn thêm 130 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư dự án tại Bình Dương lên hơn 453 triệu USD. Ông Sang Chai Wiriyaumpaiwong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH giấy Kraff Vina, cho biết việc công ty quyết định tăng thêm vốn đầu tư không chỉ vì chuyện kinh doanh thông thường mà còn là niềm tin cam kết thực hiện dự án sạch, công nghệ hiện đại đối với tỉnh.

Tháng 12-2014, dự án nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương (Mỹ) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư với vốn đăng ký chỉ 15 triệu USD. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, hiểu rõ được những tiềm năng, lợi thế khi làm việc tại Bình Dương, công ty đã quyết định tăng vốn thêm 48,5 triệu USD. Với việc tăng vốn lần này, Procter & Gamble Đông Dương hướng tới mục tiêu đưa năng lực sản xuất lên mức hơn 108 triệu sản phẩm/ năm. Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều dự án tăng vốn đầu tư đợt này như Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam (tăng vốn 9 triệu USD), Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam (tăng vốn 8 triệu USD)…

Có thể thấy, nhờ có bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt cùng những nỗ lực cải cách hành chính hiệu quả, Bình Dương ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư mới lẫn cộng đồng doanh nghiệp đã đầu tư làm ăn trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, việc nở rộ các dự án đầu tư mới lẫn điều chỉnh vốn đầu tư trong thời gian qua còn là tín hiệu lạc quan, báo hiệu cho nhiều “quả ngọt” thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên