Niềm vui và niềm tin

Cập nhật: 16-09-2014 | 08:56:26

Bước vào năm học mới 2014-2015, thêm một tin vui đối với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên các huyện nghèo, giai đoạn 2014-2015 và lộ trình đến năm 2020. Tổng cộng cả nước sẽ xây dựng hơn 5.000 phòng, trong đó có 2.627 phòng học và 2.658 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên.

Ngoài ra, theo lộ trình thực hiện đề án, đến năm 2020, sẽ xây dựng mới phòng học mới đối với trường tiểu học, bảo đảm đủ 1 lớp/phòng; phòng học xây dựng mới thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; xây mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập… Theo đề án, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu, lập phương án đầu tư và cơ chế huy động vốn phù hợp. Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định cùng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (khoảng 3.700 tỷ đồng) để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu của đề án. Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quyết định những vấn đề cụ thể việc thực hiện đề án tại địa phương. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện đề án được thực hiện theo cơ chế giám sát cộng đồng, có sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, HĐND cấp tỉnh, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thời gian qua, dù đặt ra mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm, nhưng chính sách đãi ngộ, tiền lương của đội ngũ giáo viên nhìn chung vẫn còn thấp. Dù nhấn mạnh giáo dục là quốc sách nhưng đó đây vẫn còn tình trạng trường lớp xuống cấp, dột nát, thiếu bàn ghế, thiếu điều kiện học tập tối thiểu, nhất là ở những địa phương nghèo…

Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả dạy và học; thời gian qua ngành GD-ĐT đã có những đổi mới căn bản, đột phá như mới đây là việc tổ chức một kỳ thi quốc gia được dư luận và phụ huynh học sinh đặt niềm tin cao. Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách, sự quan tâm đặc biệt đối với nền giáo dục quốc dân cũng là quyết tâm lớn để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên