Đó là thông điệp vừa được Sở Tài Nguyên - Môi trường gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương và người dân trong tỉnh tại hội nghị phát động phong trào giảm thiểu rác thải nhựa và trao giải thưởng môi trường tỉnh Bình Dương năm 2019 vừa diễn ra hôm qua (25-10). Thông điệp nói trên là sự cụ thể hóa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện Kế hoạch 4950/KH-UBND của UBND tỉnh về phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên phạm vi toàn tỉnh.
Kế hoạch “Chống rác thải nhựa” do UBND tỉnh phát động bao gồm 3 nội dung chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy trong sản xuất và sinh hoạt; tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, tập trung vào rác thải nhựa. Mục tiêu của kế hoạch là giảm dần việc sử dụng các sản phẩm gây hại môi trường, đặc biệt là chất thải nhựa và túi nylon, tiến tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó góp phần bảo đảm môi trường để phát triển bền vững.
Để thực hiện thành công kế hoạch này, các cơ quan, sở ban ngành trong tỉnh sẽ là những đơn vị đi đầu, làm gương. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan Nhà nước trong tỉnh thực hiện ngay việc không sử dụng nước uống đóng chai nhằm giảm thiểu phát thải chai nhựa. Mặc dù kế hoạch vừa được chính thức ban hành từ ngày 1-10-2019, nhưng nhận thấy tác hại của chất thải nhựa, nên từ trước đó nhiều cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã thực hiện việc không dùng nước uống đóng chai sử dụng một lần mà thay thế bằng các hình thức khác như nước uống đóng bình dung tích lớn, sử dụng ly tách và bình gốm truyền thống phục vụ hội họp, tiếp khách. Những đơn vị đi đầu trong phong trào này là Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và gần đây UBND TX.Thuận An cũng “nói không” với nước uống đóng chai sử dụng một lần trong các cuộc họp.
Giảm thiểu rác thải nhựa là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ môi trường sống không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cho con cháu mai sau. Tác hại nguy hiểm của rác thải nhựa là khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên và một khi bị xả ra biển thì phải mất tới 400 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi đó, Việt Nam là nước đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa xả ra biển chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Thực tế cũng cho thấy bờ biển tại nhiều địa phương trong nước thời gian gần đây bị rác thải nhựa tấn công, gây ô nhiễm môi trường, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tự nhiên, từ đó làm giảm lượng khách du lịch. Đó là chưa kể tới tác hại làm giảm nguồn lợi tự nhiên trong lòng biển của rác thải nhựa.
Giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường không phải là những đề án, dự án to tát mà phải bắt đầu chính từ người dân. Nói không với rác thải nhựa là thông điệp nhằm nhắc nhở mọi người không sử dụng các sản phẩm phát thải chất thải nhựa để chung tay bảo vệ môi trường sống bền vững.
LÊ QUANG