Phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao:Những khó khăn cần tháo gỡ

Cập nhật: 19-07-2013 | 00:00:00

Nông nghiệp kỹ thuật cao (NNKTC) tại Bình Dương đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, các mô hình, dự án phát triển NNKTC vẫn gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ.

Hướng đi cần thiết

NNKTC là lĩnh vực mới trong sản xuất nông nghiệp được Bình Dương chú ý khuyến khích phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị, cá nhân tại tỉnh nhà đã xây dựng được các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ ra số vốn đầu tư lớn để xây dựng các mô hình sản xuất NNKTC bởi họ nhận ra các ưu thế của sản xuất theo hình thức này mang lại như an toàn dịch bệnh, bảo đảm môi trường, sản phẩm có chất lượng cao. Có thể kể đến một số mô hình NNKTC như chăn nuôi gà, heo trong trại lạnh, trồng nấm, trồng rau thủy canh, ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, sử dụng công nghệ sinh học trồng cây ăn trái… ở các huyện Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng.  

 Xếp trứng thành phẩm tại Trại nuôi gà sạch của Công ty TNHH Ba Huân (xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên)

Bình Dương cũng đã hình thành 4 dự án NNKTC với tổng diện tích 991,4 ha gồm: xã An Thái (411,75 ha), Tân Hiệp - Phước Sang (471,75 ha) ở huyện Phú Giáo; xã Hiếu Liêm (90,2 ha) và xã Vĩnh Tân (17,6 ha) ở huyện Tân Uyên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các dự án này đang dần đi vào hoạt động và một số khu đã có sản phẩm bán ra thị trường. Tại khu NNKTC An Thái đã phát triển gần 135 ha trồng rau, quả, cây cảnh, cây dược liệu và các loại cây ăn trái như mít, chuối, cam, quýt, bưởi. Trong đó có nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương như cao su, điều. Một số sản phẩm dưa lưới, ớt chuông đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như Metro, Big C, Saigon Coop và cà tím đã xuất khẩu sang Nhật Bản. Tại Khu NNKTC Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, Tân Uyên) đã nhập nuôi 105.000 con gà đẻ chất lượng cao. Dự án chăn nuôi gà của Công ty TNHH Ba Huân tại xã Vĩnh Tân (Tân Uyên) đã xây dựng được 8/15 trại chăn nuôi với khoảng 16.000 con gà giống và 204.000 gà đẻ thương phẩm, cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 trứng sạch mỗi ngày. Tại Khu NNKTC Tân Hiệp - Phước Sang (Phú Giáo) cũng vừa động thổ xây dựng trang trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 215,4 tỷ đồng, quy mô 3.500 con với sản lượng đạt trên 8 triệu kg sữa/năm.

Những khó khăn cần khắc phục

Tuy có nhiều ưu thế hơn so với cách sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhưng sản xuất NNKTC là hình thức mới nên các mô hình, dự án không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Ông Tống Văn Hướng - hộ chăn nuôi heo trại lạnh tại xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) cho biết, chăn nuôi theo công nghệ cao đòi hòi phải có sự đầu tư cao mới có môi trường chăn nuôi đủ yêu cầu, từ đó cho ra sản phẩm tốt. Tuy nhiên, trái lại với mức đầu tư cao, hiện giá thành heo bán ra lại rất thấp, người nuôi heo càng nuôi càng lỗ. Hiện tại nguồn heo giống phụ thuộc quá nhiều vào những công ty nước ngoài, bên cạnh đó là các yếu tố như thức ăn, thuốc thú y đối với những người chăn nuôi gia công cũng không chủ động được nên họ thường chịu thiệt. Có khắc phục được những hạn chế về giống và có đầu ra ổn định mới khuyến khích được người dân sản xuất theo hướng NNKTC. Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I cho biết, tuy đã hoạt động được vài năm và đã có sản phẩm đưa ra thị trường nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa được hưởng những ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, có thể kể đến một số hạn chế cơ bản trong phát triển NNKTC tại Bình Dương như việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực trồng trọt còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu và giá thành sản phẩm cao, chưa có khả năng tham gia xuất khẩu. Các nguồn lực, đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu, nguồn lực của các nông hộ có hạn nên sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm …

Những hạn chế kể trên đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển các mô hình NNKTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất NNKTC khắc phục các khó khăn, nhược điểm trên để lĩnh vực sản xuất NNKTC Bình Dương có bước phát triển cao hơn.

- Ông ĐOÀN MINH CHIẾN (xã Tân Định, huyện Tân Uyên): Cần hỗ trợ về giống và vốn

Tôi đang nâng cao quy trình sản xuất bưởi da xanh ruột hồng theo hướng công nghệ cao, xây dựng hệ thống tự động tưới hoàn toàn, các khâu phun thuốc, bón phân gần như là tự động hóa. Từ đó giảm nhân công lao động và tăng năng suất vườn cây. Tôi nghĩ cần tuyên truyền và vận động nhân dân để hình thành nên các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Song song đó, cần có quy hoạch cụ thể các loại vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn người dân chọn những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; cần hỗ trợ về giống và nguồn vốn sản xuất cho nông dân.

- Ông PHẠM THANH HÙNG, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân: Nông dân cần tiếp cận với các nguồn vốn để nâng dần trình độ sản xuất

Chăn nuôi công nghệ cao sẽ bảo đảm được an toàn dịch bệnh, năng suất cao. Chăn nuôi công nghệ cao đòi hỏi chi phí đầu tư cao nhưng bù lại có được những sản phẩm an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Theo tôi, để cho bà con nông dân tiếp cận và áp dụng các mô hình NNKTC thì Nhà nước cần có sự quan tâm hơn trong việc thông tin, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận với các nguồn vốn để có thể từng bước nâng dần trình độ sản xuất, từ đó đưa công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.

 

 ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=272
Quay lên trên