Du khách tham quan phố cổ Hội An.
Du lịch phục hồi, tăng trưởng trở lại sau COVID-19 mang đến niềm vui trên toàn cầu. Tuy vậy, người làm du lịch, các điểm đến ngay lập tức phải tìm giải pháp nhằm ứng phó với vấn đề quá tải du khách.
Đây là bài toán đặt ra cho du lịch thế giới chứ không riêng Việt Nam nếu muốn để phát triển bền vững trong tương lai.
Thách thức từ sự quá tải
Du lịch quá tải là sự tăng trưởng quá mức lượng khách du lịch dẫn đến tình trạng quá đông người tại điểm đến, gây tác động không tích cực đến môi trường, dân cư, văn hóa, xã hội ở nơi đó. Tình trạng này đã khiến nhiều điểm đến trên thế giới phải thực hiện các biện pháp nhằm giảm tải khách ở khu vực trung tâm và hướng tới các lộ trình khám phá khác.
Ví dụ, ở Pháp, 80% hoạt động du lịch chỉ tập trung vào 20% lãnh thổ. Do đó, các ngành chức năng nước này đã xây dựng chương trình quảng bá nhằm thúc đẩy du lịch 4 mùa trên khắp đất nước, khuyến khích du khách chuyển hướng sang những địa điểm ít được biết đến hơn hoặc không đi du lịch vào mùa hè cao điểm.
Venice (Italy) đã có kế hoạch thu phí khách du lịch tham quan trong ngày nhưng nhiều ý kiến cho rằng dù có thu phí, nơi đây cũng khó tránh khỏi tình trạng quá tải, khách du lịch nhiều hơn dân bản địa...
Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), tình trạng quá tải du lịch Hè 2023 đã được dự báo trước nhưng lượng khách đến và đi châu Âu nhìn chung giảm 10% so với năm 2019. Một phần do lượng khách giảm tại các quốc gia Đông Âu, du khách Trung Quốc chưa thể phục hồi hoàn toàn. |
Ở Nhật Bản, mùa leo núi Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài vài tháng. Theo thống kê, năm nay, điểm đến này thu hút khoảng 65.000 người đi bộ đường dài, tăng 17% so năm 2019. Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo tình trạng chân núi Phú Sĩ ngập rác, ùn tắc giao thông, khách thiếu chỗ nghỉ.
Theo chia sẻ của Đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), hiện nước này đang tập trung phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ, nuôi dưỡng môi trường vùng, văn hóa vùng, bảo hộ và nuôi dưỡng kinh tế vùng. Các biện pháp đang triển khai gồm kiềm chế và phòng ngừa du lịch thái quá, sự đông đúc...
Ở Việt Nam, song hành với sự phát triển du lịch, đặt biệt ở các địa phương, điểm đến có tăng trưởng mạnh về lượng khách cũng diễn ra tình trạng quá tải, chủ yếu là thị trường khách nội địa vào mùa cao điểm, dịp nghỉ lễ, tết.
Điển hình là tại Sa Pa, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành Hồ Chí Minh, Phú Quốc… Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành điểm đến; chất lượng sống người dân địa phương.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra một vài dẫn chứng liên quan đến quá tải du khách ở nước ta.
Trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, chỉ số cạnh tranh du lịch đứng thứ 129/136 về tính bền vững môi trường.
Tại Sa Pa, công suất thực tế chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt 6.000m3/ngày đêm; cuối tuần và nghỉ lễ nhu cầu nước sinh hoạt 5.000 đến 6.500m3/ngày đêm, có thời điểm chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu, thậm chí 50%.
Tại Hội An, nhiều người dân bản địa rời bỏ di sản. Chỉ có khoảng 30% người gốc Hội An sở hữu, còn lại của cá nhân từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mua nhà và chỉ cho mở cửa hàng kinh doanh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến quá tải là do bùng nổ du lịch sau COVID-19, tính mùa vụ ở nhiều điểm đến. Kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật hạn chế, thiếu quy hoạch sức chứa tại điểm đến, chưa có phương án điều tiết khách hợp lý, sản phẩm chưa đa dạng.
Quá tải khách du lịch tác động không nhỏ đến môi trường, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng ở điểm đến cũng như tâm lý du khách. Từ đó gây suy giảm giá trị trải nghiệm, giảm sút chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm mất uy tín, hình ảnh điểm đến.
Du lịch bền vững từ giá trị cốt lõi
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ quá tải du khách là một vấn đề bất cập của du lịch Việt Nam. Người dân địa phương ở các khu vực du lịch trọng điểm phải chịu các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải và tiếng ồn.
Vì vậy, ngành Du lịch cần tính đến khả năng đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm, xem đây là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức, cho phép ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Để hướng tới du lịch bền vững, giải quyết tình trạng quá tải, việc phát triển điểm đến vệ tinh là cần thiết và chắc chắn đi cùng đó là công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý triển khai thực hiện.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, các điểm đến vệ tinh sẽ giúp chia sẻ lượng khách du lịch từ các trung tâm đang quá tải, khai thác hiệu quả tài nguyên, hỗ trợ mở rộng sinh kế và gia tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần cải thiện kết cấu hạ tầng tại các điểm đến vệ tinh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các điểm đến vệ tinh.
Bên cạnh đó, điểm đến vệ tinh giúp mở rộng không gian du lịch, tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến mới, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Để phát triển điểm đến vệ tinh, cần xác định "giá trị cốt lõi" của điểm đến.
Đó chính là tài nguyên du lịch mà người dân địa phương tự hào, khả năng kết nối giao thông và hình thành tuyến điểm với chuỗi sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó cũng cần tập trung khai thác các thị trường ngách để phát triển điểm đến vệ tinh, tạo dấu ấn khác biệt.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết các địa phương, đặc biệt là tại các khu vực vệ tinh cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch "cốt lõi"...
Chia sẻ về phương án giảm tải khách du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao thị xã Sa Pa cho rằng phải có quyết tâm cao bởi giảm quá tải du lịch cần sự tham gia của tất cả các ngành liên quan.
Bên cạnh đó, Sa Pa cần làm tốt quy hoạch bởi nếu để du lịch tự phát, du khách sẽ tiếp tục đến những nơi quen thuộc, truyền thống. Nếu có sự phân chia vùng du lịch khác nhau với các nhóm sản phẩm đặc trưng, sẽ không tạo ra sự xung đột về lượng khách, phân bố hài hòa, không chỉ riêng ở Sa Pa mà còn cho toàn tỉnh.
Lào Cai đã có kế hoạch xây dựng điểm đến du lịch lân cận, vệ tinh, hỗ trợ giảm tải cho Sa Pa ở Bắc Hà, Y Tý, thành phố Lào Cai, Bảo Yên. Trung tâm thị xã Sa Pa phát triển du lịch cộng đồng để chia khách ra các điểm đến khác nhau.
Rất nhiều điểm đến khác của Việt Nam đã chọn hướng phát triển bền vững dựa trên 4 yếu tố cân bằng lợi ích của người dân, bảo vệ môi trường, văn hóa và kinh tế trong đó lấy người dân là động lực của sự phát triển. Việc tham gia của cộng đồng địa phương là nhân tố đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Đây là cách thức góp phần giảm tải lượng khách ở khu vực trung tâm vốn đã chật hẹp, đông đúc.
Trong số đó, Hội An coi hai yếu tố sinh thái và văn hóa là giá trị cho phát triển bền vững. Tại đây có 3 khu vực phát triển là đô thị, biển đảo và làng quê luôn gắn kết, tương tác với nhau, tạo động lực để phát triển hài hòa, ổn định. Hội An trong tương lai sẽ phát triển thành thành phố “sinh thái-văn hóa và du lịch” giàu bản sắc.
Thành phố đang quyết tâm thực hiện, đảm bảo phát triển nhưng phù hợp với tài nguyên, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên. Do đó, Hội An tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, trọng tâm là quy hoạch không gian phát triển du lịch; có chính sách phát triển vùng kinh tế sông nước, làng quê, biển đảo.
Để du lịch phát triển bền vững, rõ ràng phải có quy hoạch phù hợp, bởi mỗi điểm đến chỉ có “sức chứa” giới hạn. Do đó, phát triển du lịch đồng bộ để bảo đảm quyền lợi của du khách, bảo vệ môi trường không bị quá tải, mang lại nguồn lợi cho địa phương, người dân bản địa là việc không dễ thực hiện.
Đây là một quá trình vận động lâu dài và cần được tiếp sức bởi cơ chế chính sách thống nhất, đồng bộ, sự liên kết hiệu quả giữa trung tâm và điểm đến vệ tinh; mô hình, cách làm hay từ thực tiễn.../.
Theo TTXVN