Quy định mới về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm

Cập nhật: 12-01-2019 | 11:23:33

Ngày 1-1-2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2019/ NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, theo đó nghị định gồm có 4 chương, 21 Điều quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng. Nghị định 01/2019/NĐ-CP được áp dụng đối với đối tượng là kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Nghị định số 01/2019/NĐ- CP quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của công chức kiểm lâm như: Công chức kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, khám nơi cất giữ lâm sản trái pháp luật, thu giữ, tạm giữ, bảo quản tang vật, kiểm tra phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Thủ trưởng kiểm lâm Trung ương, thủ trưởng kiểm lâm vùng, thủ trưởng kiểm lâm cấp tỉnh, thủ trưởng kiểm lâm cấp huyện, thủ trưởng kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.

Về tiêu chí thành lập kiểm lâm cấp huyện phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Thứ nhất, phải có diện tích rừng từ 3.000 ha trở lên; thứ hai, có diện tích dưới 3.000 ha rừng nhưng để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản và các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương nếu không đáp ứng 2 tiêu chí trên thì thành lập kiểm lâm liên huyện.

Về chế độ, chính sách đối với kiểm lâm được quy định tại Điều 13 Nghị định số 01/2019/ NĐ-CP, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật, nếu trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh và nếu bị hy sinh sẽ được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 2 năm 2019.

SỞ TƯ PHÁP   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=508
Quay lên trên