Quy hoạch bài bản mới đầu tư phát triển có chất lượng

Cập nhật: 26-10-2015 | 08:45:59

 

 Đó là ý kiến của ông Hồ Minh Phương (ảnh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh khi đóng góp vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Khẳng định về sự thành công, ông cho rằng trong quá trình đổi mới, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo đường lối một cách đúng đắn, phát huy và khai thác lợi thế sẵn có, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và bảo đảm an sinh xã hội.

 Tâm sự với chúng tôi, ông Hồ Minh Phương dẫn dắt nhiều câu chuyện có liên quan đến bước đường phát triển của Sông Bé xưa và Bình Dương nay, khơi nguồn cho công cuộc đổi mới của Sông Bé xưa bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Từ tư duy của một thời quan liêu, bao cấp, Sông Bé lúc đó đã nhanh chóng thay đổi tư duy nhận thức mới về nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bắt đầu tập trung sản xuất hàng hóa theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước... Và như vậy, đến năm 1989-1990, Sông Bé đã hình thành và đưa vào hoạt động 2 công ty: Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bình Dương (Becamex) và Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Từ đây, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao, từ 7 triệu đô la ban đầu đã vượt con số rất xa vào những năm sau này.

 “ Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thời đương chức đã từng khen ngợi Bình Dương: Trong quá trình phát triển, Bình Dương biết phát huy lợi thế so sánh, lợi thế vùng đó là gần TP.HCM, gần sân bay, bến cảng; mời gọi đầu tư và xác định cơ cấu kinh tế hợp lý”

“ Giờ đây, tiến trình phát triển ở Bình Dương đã ổn định và bài bản. Trên cơ sở này, Bình Dương cần tiếp tục đề ra chính sách thông thoáng để mời gọi đầu tư, vì ngày trước, nếu mời gọi thì nhà đầu tư chỉ đầu tư vài trăm triệu đô la, bây giờ giá trị đầu tư lớn  hơn rất nhiều”

Có thể nói, từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Trung ương vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định dần tình hình kinh tế - xã hội và đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Kế thừa và phát huy thành quả đó, sau ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, huy động được sức mạnh tổng hợp để phát triển. Nhờ vậy từ năm 1997 đến nay, kinh tế Bình Dương luôn đạt mức tăng trưởng ổn định.

 

Nếu đem so sánh cơ cấu kinh tế năm 1997 và hiện nay sẽ thấy khác hẳn, Bình Dương hôm nay phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần. Năm 1997, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 50,45% - 26,8% - 22,8% thì đến năm 2015 này, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp 60%, dịch vụ 37,3% và nông nghiệp 2,7%. Đó là chưa kể đến các giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, tỷ lệ đô thị hóa, thu ngân sách… Nghĩ về quá khứ, ông nhớ lại nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải thời đương chức đã từng khen ngợi Bình Dương: “Trong quá trình phát triển, Bình Dương biết phát huy lợi thế so sánh, lợi thế vùng đó là gần TP.HCM, gần sân bay, bến cảng; mời gọi đầu tư và xác định cơ cấu kinh tế hợp lý”. Theo đó, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp và luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa.

Nói đến phát triển khu công nghiệp, Bình Dương đã sớm định hướng và quyết tâm xây dựng các khu công nghiệp tập trung với phương châm hạ tầng khu công nghiệp đi trước một bước, bảo đảm phục vụ và thu hút đầu tư cho các ngành công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Bình Dương đã biết phối hợp các hình thức vừa lấy thành phần kinh tế quốc doanh, vừa mạnh dạn cho kinh tế ngoài quốc doanh xây dựng khu công nghiệp. Nhờ vậy, từ Khu công nghiệp Sóng Thần 1 do Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư, sau đó đã nhân rộng nhiều khu công nghiệp khác như Việt Nam - Singapore (Becamex), Việt Hương (Công ty cổ phần Việt Hương) và Khu công nghiệp Sóng Thần II (Công ty Đại Nam)…

Xem qua dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, ông rất tự hào trước tốc độ phát triển công nghiệp Bình Dương. “Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp tập trung và 8 cụm công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển của các ngành công nghiệp cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước”. Cùng với lĩnh vực dịch vụ, Bình Dương cũng đã mở ra nhiều ngân hàng, tài chính, bảo hiểm… Rõ ràng, nhờ vận dụng đường lối đổi mới một cách đúng đắn, phát huy và khai thác lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, bảo đảm an sinh xã hội, Bình Dương đã thành công ngoài mong đợi.

 

Giờ đây, tiến trình phát triển ở Bình Dương đã ổn định và bài bản. Ông cho biết trên cơ sở này, Bình Dương cần tiếp tục đề ra chính sách thông thoáng để mời gọi đầu tư, vì ngày trước, nếu mời gọi thì nhà đầu tư chỉ đầu tư vài trăm triệu đô la, bây giờ giá trị đầu tư lớn hơn rất nhiều. Song song đó, Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác quy hoạch, thậm chí thuê cả các chuyên gia ngoài nước tham gia quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Theo ông, quy hoạch bài bản thì đầu tư phát triển sẽ bảo đảm chất lượng.

 

Với lợi thế gần đô thị lớn là TP.HCM, Bình Dương cũng nên quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật, vi tính, ngoại ngữ và tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Làm được yêu cầu này, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ giỏi, tinh thông và năng động. Vấn đề cuối cùng cần đặt ra phải làm trong nhiệm kỳ tới là phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Rút kinh nghiệm trước đây, hôm nay, trong thu hút đầu tư, Bình Dương phải chọn lọc, đầu tư có chiều sâu. Riêng lĩnh vực dịch vụ, Bình Dương cần lưu tâm mời gọi các nhà đầu tư làm dịch vụ, để đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của người dân.

Có thể nói, đây là tiền đề để Bình Dương nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nhất là đối với ngành dệt may của Bình Dương, vì ngành này lúc nào cũng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.

 

M.H (ghi)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên