Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ

Cập nhật: 15-08-2012 | 00:00:00

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 943/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch vùng) với những nội dung, chủ yếu sau:

Vị trí, vai trò

Vùng Đông Nam bộ (gồm TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây nguyên; đi đầu trong chủ động hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

 Thành phố Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I, được quy hoạch là trung tâm dịch vụ lớn phục vụ phát triển công nghiệp. Hiện tại, Thủ Dầu Một đang tập trung nhiều trường đại học và hứa hẹn sẽ là nơi phát triển cho đô thị làng đại học quốc tế

Đây cũng là vùng đi đầu phát triển trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển KT-XH của cả nước.  Vùng Đông Nam bộ mà hạt nhân là TP.HCM là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; là trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

Quan điểm phát triển

1. Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển KT- XH của cả nước; bảo đảm thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; xây dựng và phát triển vùng Đông Nam bộ thành vùng động lực thúc đẩy phát triển với tốc độ phát triển KT-XH cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực.

2. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, nhất là lợi thế về sản xuất công nghiệp, dịch vụ, vùng Đông Nam bộ phải đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó khu vực TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là địa bàn trọng điểm, phát huy vai trò động lực và lan tỏa phát triển cho các địa phương khác trong vùng và cả nước.

3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung ưu tiên đầu tư các ngành có tiềm năng, lợi thế, có năng suất lao động và hàm lượng tri thức cao, gắn liền với việc đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, thành phần kinh tế và giữa các địa phương.

4. Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho vùng và cả nước. Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo với cơ cấu ngành nghề và trình độ hợp lý theo nhiều hình thức.

5. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các địa phương trong vùng, nhất là đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số, dân cư vùng giáp biên giới với Campuchia.

6. Phát triển bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu về phát triển kinh tế, phát triển xã hội và cải thiện môi trường sinh thái; từng bước kiểm soát có hiệu quả vấn đề di dân tự do tới các tỉnh trong vùng cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đô thị, nguồn nước và không khí.

7. Gắn phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Một số quy hoạch đáng chú ý ở Bình Dương

Hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TP.HCM. Tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào để phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ và đô thị theo mô hình đô thị công nghệ cao tại Long Thành, thành phố mới Phú Mỹ, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.

Xây dựng các đô thị Biên Hòa và Thủ Dầu Một là trung tâm dịch vụ lớn phục vụ phát triển công nghiệp (đào tạo, tư vấn, hỗ trợ...). Phát triển các đô thị Vũng Tàu, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Các thị xã tỉnh lỵ như Tây Ninh, Đồng Xoài là các trung tâm dịch vụ tỉnh và đầu mối dịch vụ kết nối với các tỉnh Tây nguyên và Campuchia. Phát triển kinh tế cửa khẩu ở hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước.

Phát triển các đô thị vệ tinh của TP.HCM như Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An. Phát triển các hành lang đô thị hóa từ TP.HCM gắn với các trục quốc lộ 1A, 51, 22 và 13.

MINH CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1424
Quay lên trên