Tập trung phát triển ngành Logistics: Phát huy tiềm năng và nội lực

Cập nhật: 22-12-2012 | 00:00:00

Khó từ… cửa ngõ

 Trong những năm qua, việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp khiến cho lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Bình Dương liên tục tăng trưởng, khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Thuận lợi là hệ thống đường bộ của Bình Dương liên tục được tu bổ và làm mới, tạo điều kiện tốt cho dịch vụ logistics phát triển nhanh. Tuy nhiên, cái khó của Bình Dương lại chính là các… cửa ngõ đi đến các cảng lớn tại TP.HCM.    Phát triển mạnh dịch vụ logicstic sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Hơn 10 năm trước, khi các khu công nghiệp ồ ạt đầu tư, Bình Dương đã đầu tư nâng cấp quốc lộ 13 trên địa bàn dài 64,2km. Công trình đã được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dù quốc lộ 13 cho thấy sự hiệu quả lớn thì đoạn ngã tư Bình Phước chạy dài đến cầu Bình Triệu - đoạn tiếp giáp giữa Bình Dương với TP.HCM, lại là một trong những trở lực lâu năm nhất của cả tuyến quốc lộ 13. Khoảng 4km do TP.HCM quản lý và chịu trách nhiệm nâng cấp đầu tư, nhưng do vướng giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến đường nên cứ vào giờ cao điểm là xảy ra tắc đường, kẹt xe. Chính từ nút thắt này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 13.

Ông Nguyễn Minh Liêm, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liêm (TP.HCM) nhìn nhận: “Tốc độ quy định trên tuyến đường này là 50km/giờ nhưng do ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra nên tốc độ của xe chỉ đạt khoảng 25km/giờ. Như vậy, tốc độ vận chuyển hàng hóa chỉ đạt được 50%, dẫn đến các loại chi phí như xăng, dầu máy... đều tăng lên gấp đôi. Chưa kể hàng loạt phí phụ khác bắt buộc giá cước vận chuyển phải tăng khoảng 20%”.

Cũng cùng khó khăn chung là tuyến quốc lộ 1A đoạn từ ngã tư Bình Phước đi cầu Đồng Nai, do chậm tính toán trong quy hoạch vùng, đoạn đường này cũng thường xuyên quá tải, kẹt xe. Chính từ đây, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) có mặt tại Bình Dương chuyển ra các cảng lớn tại TP.HCM như Cát Lái, Cái Mép, cảng Sài Gòn… gặp nhiều khó khăn.

Cú hích từ nội lực

Xác định quốc lộ 13 là trục giao thông đối ngoại của tỉnh, đảm trách nhiệm vụ vận  chuyển hành khách và hàng hóa quan trọng nối liền với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế tại TP.HCM, nhưng hiện quy hoạch của tuyến đường đã không đáp ứng được nhu cầu thực tế, Bình Dương đang giao cho Tổng Công ty Becamex xúc tiến phương án xây dựng đường  quốc lộ 13 trên cao để nối liền với tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi với tổng chi phí dự kiến khoảng 800 triệu USD. Ngoài ra, hệ thống các đường vành đai, đường Mỹ Phước - Tân Vạn cũng là những nhân tố quan trọng để dịch vụ logistics của tỉnh phát triển tốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa của các DN trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Bình Dương đang xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo đảm sự liên kết của các hoạt động về cung cấp sản phẩm, về sản xuất, lưu thông phân phối và mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ logicstic theo hướng hiện đại; hỗ trợ DN đưa ra các quyết định chính xác về vấn đề sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương sẽ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống cảng đường sông, bến thủy nội địa (cảng An Sơn, Thạnh Phước, Thường Tân, An Tây, Thanh An). Hệ thống cảng cạn - ICD cũng được quan tâm phát triển (đầu tư mới ICD Hòa Phú, ICD Vĩnh Tân, ICD Khu công nghiệp Mỹ Phước I và II). Tỉnh cũng chú trọng phát triển dịch vụ vận chuyển bằng container đến các cảng sông, cảng ICD làm thủ tục XNK. Một mục tiêu quan trọng cần hướng đến nữa là việc hình thành các kho ngoại quan tại các khu - cụm công nghiệp và các cảng sông hiện hữu theo hướng hiện đại.

Có thể thấy, từ việc định hướng phát triển hệ thống đường bộ, cảng sông, bến thủy nội địa cho đến cảng cạn, dịch vụ vận chuyển… như trên, Bình Dương đang nỗ lực tự tối đa hóa các nội lực và tiềm năng hiện hữu của mình để khắc phục những khó khăn trong việc lệ thuộc vào dịch vụ logistics TP.HCM.

 Logistics Bình Dương thu hút mạnh nhà đầu tư

Với lượng hàng hóa XNK khổng lồ và những điều kiện thuận lợi sẵn có, Bình Dương đang thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ logistics ở quy mô lớn. Năm 2010, Tập đoàn YCH của Singapore và Công ty Sản xuất - XNK Bình Dương đầu tư Trung tâm Kho vận YCH rộng 6,9 ha với sức chứa 50.000 pallet. Tổng vốn đầu tư của trung tâm này lên đến 14 triệu USD và hiện nay đã đi vào sử dụng ổn định, góp phần cung ứng các dịch vụ kho bãi, vận tải, XNK cho các DN trong tỉnh. Ngày 20-4-2011, Công ty Damco chuyên cung cấp giải pháp về quản trị chuỗi cung ứng và giao nhận vận tải cũng khánh thành Trung tâm Kho vận đa năng hiện đại rộng 2,6 ha tại phường Bình Thắng, TX.Dĩ An. Đây là dự án lớn, có thể cung cấp nhiều giải pháp về kho vận khác nhau. Tại Bình Dương, tiên phong đi đầu là Tập đoàn Mapletree của Singapore với việc đưa vào hoạt động Khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Quy mô của khu kho vận này là rất lớn, rộng đến 68 ha và tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Ngoài ra, tháng 3-2009, Công ty Schenker của Đức cũng dốc 5,5 triệu USD đầu tư và đưa vào hoạt động trung tâm kho vận tại KCN Sóng Thần I trên diện tích 1 ha.

MINH NGUYỄN

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên