Tân Uyên thay “áo mới”: Bài 2: Hạ tầng đô thị hiện đại

Cập nhật: 29-03-2014 | 00:00:00

Bài 2: Hạ tầng đô thị hiện đại

 Trong suốt thời gian qua, Tân Uyên đã tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cả về chiều sâu và chiều rộng. Trong đó, hạ tầng đô thị được quan tâm, đầu tư phát triển nhanh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của một thị xã.

Xứng tầm đô thị

Công nghiệp hóa rồi đến đô thị hóa là một quá trình tất yếu. Thời gian qua, nhờ sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, bộ mặt đô thị của Tân Uyên đã hình thành rõ nét. Từ một huyện thuần nông, Tân Uyên hôm nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thị xã.

Chị Từ Mỹ Kim (thị trấn Uyên Hưng) chia sẻ: “Tôi là người Sài Gòn, năm 2001 lấy chồng ở Uyên Hưng rồi theo chồng về ở đây luôn. Ngày đó, Tân Uyên còn nhiều khó khăn. Nhưng bây giờ, Tân Uyên đã phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút nhiều lao động về đây sinh sống, làm ăn. Do vậy, nhiều khu dân cư được xây dựng, nhiều tuyến đường đã được láng nhựa, bê tông hóa và lắp đèn chiếu sáng đầy đủ. Các khu giải trí và trung tâm thương mại, các chợ đã được đầu tư, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của bà con. Nhiều người thân của tôi ở Sài Gòn lên đây đều hết sức ngạc nhiên trước sự sầm uất, sôi động của vùng đất Tân Uyên hôm nay”.  

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, Tân Uyên đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một thị xã. Trong ảnh: Một góc KDC Uyên Hưng, thị trấn Uyên Hưng

Để có được bộ mặt hạ tầng đô thị đồng bộ, phát triển hiện đại như hiện nay, trong suốt thời gian qua, Tân Uyên đã tích cực triển khai thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện giai đoạn 2011-2015, quyết tâm thực hiện đưa huyện trở thành một thị xã phát triển, năng động, phát huy hết những tiềm năng và thế mạnh của mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết: “Việc công nhận đô thị Uyên Hưng mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV đã chứng minh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nơi đây. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị và các trung tâm thương mại, dịch vụ góp phần khẳng định vị thế, vai trò kết nối giữa các đô thị lân cận như Biên Hòa, TP.HCM, tạo động lực quan trọng để thị trấn mở rộng phát triển xứng tầm của một đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của huyện bằng nhiều phương thức đầu tư đa dạng, đặc biệt các dự án giao thông được thực hiện theo phương thức BOT. Tính đến thời điểm hiện nay, thực hiện chỉnh trang đô thị, nhiều tuyến đường đã được láng nhựa tại các thị trấn Uyên Hưng, Thái Hòa, Tân Phước Khánh với tổng kinh phí đầu tư khoảng 189 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện gồm 5 tuyến đường tỉnh với chiều dài 138,27km được nhựa hóa 100%; 25 tuyến đường huyện với chiều dài 120,35km được nhựa hóa 80% và 756 tuyến đường xã với chiều dài 963,46km đã được cứng hóa 100%.

Bên cạnh đó, một số công trình trọng điểm do tỉnh đầu tư đang được triển khai thực hiện như nâng cấp mở rộng đường ĐT746, đường tạo lực 2B, đường ĐT747 từ dốc Bà Nghĩa - Cổng Xanh, đường ĐT747 B đoạn từ nút giao miếu Ông Cù đến 747A. “Đây là các công tình trọng điểm và là những hạ tầng quan trọng của vùng, nhằm mục tiêu chính là kết nối liên huyện và liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông và giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn nói riêng và Bình Dương nói chung”, ông Phương nói.

Cùng với giao thông, hệ thống thủy lợi, cấp thoát nước và môi trường được Tân Uyên chú trọng đầu tư. Hoạt động của 3 nhà máy cấp nước Nam Tân Uyên, Uyên Hưng và Tân Hiệp với công suất 77.000m3/ngày đêm đã nâng tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99,72%. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây kè và nạo vét mương thoát nước đã được thực hiện. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực nội thị được xử lý đạt 90%, khu vực nông thôn đạt khoảng 50%. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng, cây xanh, nghĩa trang, viễn thông được nâng cấp, lắp mới, cải tạo. Tỷ lệ đường đô thị tập trung được chiếu sáng đạt 90%, đất cây xanh đô thị đạt 6,77m2/người.

Tân Uyên cũng hết sức quan tâm đến đầu tư phát triển hạ tầng xã hội. Các vấn đề giáo dục - đào tạo, y tế, các công trình thiết chế văn hóa, công trình dịch vụ- thương mại, khu dân cư, nhà ở, khu vui chơi giải trí được quan tâm nâng cấp, mở rộng và đầu tư thường xuyên, góp phần thực hiện chương trình xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Định hướng phát triển

Để phát triển hạ tầng đô thị xứng tầm của một thị xã và tạo một bước chuyển biến rõ nét về hạ tầng kỹ thuật, TX.Tân Uyên tiếp tục đề ra các định hướng phát triển mới. Trước mắt, địa phương sẽ triển khai lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các đơn vị hành chính đô thị Nam Tân Uyên theo quy hoạch chung đã được phê duyệt; lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật 6 xã, thị trấn dự kiến nâng cấp lên phường.

Song song đó, TX.Tân Uyên sẽ đầu tư đồng bộ các tuyến đường chính, kết hợp giao thông đối ngoại. Để các công trình hạ tầng đô thị nhanh chóng hình thành, chính quyền sẽ có những biện pháp hỗ trợ các chủ đầu tư giải quyết các khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án; tập trung triển khai thi công hoàn thành các công trình trọng điểm; phấn đấu hoàn thành các dự án lớn đang triển khai như các khu tái định cư, khu đô thị.

Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên gồm 6 phường (Uyên Hưng, Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Khánh Bình, Thạnh Phước, Tân Hiệp) và 6 xã (Bạch Đằng, Vĩnh Tân, Hội Nghĩa, Thạnh Hội, Phú Chánh và Tân Vĩnh Hiệp). Diện tích của thị xã là 19.249,20 ha; dân số khoảng 190,564 người.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên