Thách thức và cơ hội của ngành dệt may Bình Dương

Cập nhật: 25-05-2012 | 00:00:00

Nỗ lực vượt qua khủng hoảng

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay ngành dệt may vẫn duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho LĐ. Trong 5 tháng đầu năm, KNXK ngành dệt may thực hiện ước đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 13,5% tổng KNXK của tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành hàng này vẫn là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Asian, Nhật Bản. Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các DN trong ngành này đều đã có đơn hàng XK đến giữa năm 2012.

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, tuy tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng KNXK ngành hàng dệt may vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Nguyên nhân là do các DN trong nước đã tạo dựng tốt mối quan hệ và niềm tin với khách hàng. Nhờ đó, tăng trưởng XK ở các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật vẫn ổn định. Một số thị trường mới mở như Hàn Quốc, Canada... đã góp phần làm tăng KNXK của ngành này. Ông Phoa cho biết sở dĩ ngành dệt may vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái là nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước và các ngành chức năng. Tuy Chính phủ không có giải pháp riêng cho ngành dệt may trong giai đoạn suy giảm kinh tế, nhưng các giải pháp đưa ra được thực hiện chung cho nhiều lĩnh vực, như bảo hiểm XK, chương trình đưa hàng về nông thôn, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn...

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ LĐ mất việc làm trong các DN do suy giảm kinh tế nhằm giảm bớt gánh nặng cho DN. Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện công tác xúc tiến XK, tìm khách hàng và đơn hàng mới, khuyến khích các DN đưa công nghệ mới vào hoạt động, đồng thời định hướng tăng thị phần trên phân khúc thị trường với thu nhập cao hơn, cảnh báo các DN chủ động phòng chống với nguy cơ bị áp dụng chống phá giá từ các nước nhập khẩu (NK), đặc biệt là Hoa Kỳ. Khi hoạt động XK của DN dệt may gặp khó khăn, hiệp hội và DN đã chung tay hành động nhằm chuyển hướng sang thị trường nội địa. Nhờ sự hỗ trợ tích cực này mà các DN dệt may đã và đang từng bước vượt qua khủng hoảng.

Sẽ “đuối” nếu khó khăn kéo dài

Đầu năm 2012, KNXK hàng dệt may đứng vị trí nhất nhì trong danh sách các mặt hàng XK chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, thị trường XK của các DN dệt may đang bị thu hẹp. KNXK hàng dệt may vào các thị trường Mỹ, Nhật và EU đang sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các nhà nhập khẩu mặt hàng này của EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào, Bangladesh để tránh mức thuế NK 10% vì những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn tối huệ quốc với mức thuế suất NK 0% của EU để tiết kiệm chi phí. Cùng với đó là khủng hoảng kinh tế, sức mua hàng may mặc của người tiêu dùng tại các thị trường này cũng giảm. Theo dự báo, 6 tháng cuối năm lượng hàng XK của ngành hàng dệt may vào thị trường EU sẽ giảm so với cùng kỳ từ 10 - 20%.

Tình hình thị trường XK gặp khó, tình hình nội tại của các DN càng khó hơn. Theo ông Lê Hồng Phoa, do khó khăn về vốn, đầu ra kéo dài, lãi suất ngân hàng (NH) tuy có giảm nhưng đa số DN chưa tiếp cận được do NH chỉ nhắm vào những DN hoạt động hiệu quả, có đơn hàng. Đời sống công nhân (CN) ngành dệt may vì vậy rất khó khăn, DN phải tăng lương để giữ chân CN. Giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu cũng tăng... Và nếu tình hình này còn kéo dài thì nhiều DN dệt may sẽ “đuối”!

Hiện tại, một số DN dệt may thiếu vốn, thiếu đầu ra đã chuyển sang hoạt động cầm chừng hoặc làm hàng cho thị trường nội địa. Theo ghi nhận của chúng tôi, NTD trong nước hiện đang thực hiện thắt chặt chi tiêu nên mặc dù nhiều cửa hàng, shop thời trang có tăng cường khuyến mãi, giảm giá vẫn không bán được hàng, lượng hàng tồn vì vậy ngày càng tăng. Cùng với đó, lượng hàng nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc đang hoành hành, khiến các DN dệt may trong nước phải vất vả cạnh tranh giành thị phần ngay tại “sân nhà”!

Theo ông Phoa, trước những thách thức nói trên, để vượt qua khó khăn bản thân các DN dệt may phải tự cứu mình bằng cách tận dụng tất cả các cơ hội như tiết giảm chi phí, thay đổi cách quản lý, cách làm việc, thay đổi chủng loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn để tạo lợi thế cạnh tranh, tìm cách tiếp cận thị trường để tăng doanh thu...

Để ngành dệt may đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì việc tái cấu trúc ngành, tái cấu trúc DN là cần thiết. Theo đó, ngành dệt may cần tập trung phát triển theo chiều sâu như đầu tư khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, thông qua đó giảm số lượng công nhân, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động, bảo đảm những tiêu chí về môi trường, tiêu chí về sức khỏe của người tiêu dùng...

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=249
Quay lên trên