Tín dụng học sinh, sinh viên: Chắp cánh ước mơ chinh phục tri thức

Cập nhật: 22-10-2013 | 00:00:00

Đối với những gia đình khó khăn, nếu tiếp tục cho con học trung cấp, cao đẳng, đại học là điều vô cùng khó. Trước trăn trở đó, Quỹ tín dụng học sinh, sinh viên (HS-SV) đã “chắp cánh” đưa các em đến với giảng đường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Nâng bước em đến trường

Chương trình Quỹ tín dụng HS-SV được triển khai từ tháng 3-1998 theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời cho sự phát triển trong giai đoạn mới và chương trình này đã thật sự đi vào cuộc sống khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HS-SV. Đối với tỉnh Bình Dương, sau 5 năm (2007-2012) thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có hàng ngàn HS-SV được “nâng bước” đến trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Bình Dương, tổng doanh số cho vay đến 30-9-2012 của đơn vị đạt 266.973 triệu đồng, với 30.043 lượt HS-SV vay.

NHCSXH tỉnh giải ngân vốn vay quỹ tín dụng HS-SV tại xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một

Có dịp tiếp cận với những đối tượng khó khăn được vay vốn, chúng tôi mới “cảm” được niềm vui của họ. Bà Đoàn Thị Phận (ấp 8, xã Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), gia đình có 3 người con, chồng mất sớm. Bà “một nắng hai suơng” nuôi 3 con ăn học. Không có điều kiện học tiếp, 2 người con học xong trung cấp xin làm công nhân, 1 người tiếp tục học liên thông Đại học Y Dược TP.HCM. Mừng cho quyết định của con nhưng bà lại buồn vì không biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Từ khi có chương trình tín dụng HS-SV, bà đăng ký vay để con thực hiện uớc mơ. “Nếu không có nguồn vốn này, tôi khó có thể lo cho con học tiếp. Tôi thật sự rất mừng và mong con sau này trở thành công dân tốt, phục vụ cho xã hội, cho bản thân mình”, bà Phận tâm sự.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An). Hoàn cảnh gia đình Mai rất khó khăn, cha sức khỏe yếu, mẹ đau ốm liên miên, 2 anh trai đang theo học tại các trường đại học, trung cấp. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng của cha cùng sự buôn bán vất vả của mẹ thì việc lo cho cuộc sống đã khó nói gì đến việc học của 3 anh em. Trong lúc khó khăn, Mai được thầy cô ở trường Đại học Luật TP.HCM hướng dẫn làm thủ tục vay vốn NHCSXH. Sau đó, Mai tìm hiểu qua Phòng giao dịch NHCSXH TX.Thuận An và đã được tiếp cận nguồn vốn. Mai xúc động, nói: “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào trường Đại học Luật TP.HCM. Lúc ấy, tôi rất vui. Thế nhưng, tôi nhận ra khó có thể được đến được giảng đường, bởi hoàn cảnh gia đình không cho phép. Sau đó, được cho vay vốn, tôi đã có thêm động lực để tiếp bước đến trường thực hiện ước mơ của mình”.

Tuyên truyền sâu rộng

Để nguồn vốn vay HS-SV đến đúng, gần với các đối tượng, NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tại địa phương tuyên truyền sâu rộng nội dung của chương trình. Từ đó, giúp người dân cũng như các cấp, các ngành biết, hiểu chính sách để phối hợp thực hiện vừa giám sát lẫn nhau bảo đảm chương trình được thực hiện một cách công khai, dân chủ; phát hiện tồn tại thiếu sót để khắc phục kịp thời. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh đã thường xuyên triển khai nhiều biện pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động quỹ tín dụng của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ giao dịch lưu động và điểm giao dịch lưu động xã. Đến nay, toàn tỉnh có 1.515 tổ TK&VV phủ kín các khu, ấp; 88/91 xã, phường có điểm giao dịch của NHCSXH.

Theo chương trình, đối tượng được vay vốn là những HS-SV hộ khẩu Bình Dương thuộc các diện sau: Thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn về tài chính đột xuất (tai nạn, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật, dịch bệnh); bộ đội xuất ngũ; học viên học nghề theo Dự án đào tạo nghề nông thôn; Riêng trường hợp HS-SV thuộc diện mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại không có khả năng lao động (không cần thiết phải có hộ khẩu ở Bình Dương). Quy trình vay vốn khá đơn giản, HS-SV thuộc diện được vay vốn photo giấy trúng tuyển, giấy xác nhận học nghề gửi cho tổ TK&VV tại khu, ấp mình đang sinh sống. Tổ vay vốn làm hồ sơ và có xác nhận của địa phương. Sau đó NHCSXH sẽ tiếp nhận đơn và lên kế hoạch giải ngân sớm nhất. HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay tối đa 1,1 triệu đồng/ tháng/HS-SV (bình quân một năm 11 triệu đồng/HS-SV), với lãi suất 0,65%. Thời gian cho vay tùy thuộc vào thời gian học của HS-SV.

Ông Võ Văn Đức, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Hàng năm, NHCSXH đều phối kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương rà soát các em đã trúng tuyển vào các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề. Qua đó, ngân hàng xây dựng kế hoạch vốn nhằm bảo đảm đủ nguồn, không để các em bỏ học vì không có tiền đóng học phí và các khoản sinh hoạt phí phục vụ cho học tập. Nguồn vốn chương trình tín dụng HS-SV không thiếu, bảo đảm tất cả các em HS-SV khó khăn đều được vay. Riêng trong 5 năm tới (2012-2015), NHCSXH tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, như: Giải ngân kịp thời cho các đối tượng vay theo quy định; thu hồi và xử lý nghiêm nợ đến hạn, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ quá hạn tối đa không quá 3% trên tổng dư nợ; với mức tăng trưởng bình quân hàng năm hiện nay, đến năm 2017, dự kiến tổng dư nợ chương trình đạt trên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHCSXH cũng thừa nhận, UBND cấp xã, phường, thị trấn tại một số địa phương chưa thường xuyên thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính để các hộ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn mỗi địa phương triển khai một kiểu, có nơi quá chặt chẽ, có nơi lại lỏng lẻo, gây dư luận không tốt trong xã hội. Một số trường hợp HS-SV khi ra trường chưa có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn nên việc thu hồi nợ đến hạn gặp nhiều khó khăn. Công tác thông tin, tuyên truyền thiếu thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu để đông đảo mọi người dân được biết và cùng thực hiện.

Để phát huy những thành quả và khắc phục khó khăn, tồn tại, ông Võ Văn Đức xác định: “Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tinh tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách nói chung, tín dụng HS-SV nói riêng để huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Xây dựng tổ TK&VV thực sự là cầu nối hữu hiệu giữa ngân hàng với người vay”.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2013 của NHCSXH tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã nhấn mạnh, NHCSXH cần quan tâm đến chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với đối tượng HS-SV; có biện pháp xử lý nợ xấu, nợ quá hạn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí mới để bổ sung vào danh sách cho vay hỗ trợ. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND phân bổ ngân sách ủy thác qua ngân hàng để hỗ trợ hộ nghèo vay vốn.

 

THIÊN LÝ  - ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X