Thời gian qua, các ngành chức năng TP.Thuận An đã tăng cường kiểm tra, xử lý hơn 7.000 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc tại phường An Phú. Ảnh: THANH QUANG
Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 TP.Thuận An, trong năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn TP.Thuận An có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó lực lượng chức năng. Các đối tượng thường chia nhỏ hàng hóa vi phạm và cất giấu ở nhiều nơi. Việc sản xuất hàng giả được thực hiện vào ban đêm ở các khu nhà trọ và thường xuyên thay đổi nơi sản xuất, chỉ vừa đủ nhu cầu tiêu thụ, khi sản xuất xong thì vận chuyển đi tiêu thụ ngay, khiến lực lượng chức năng rất khó phát hiện nhưng khi phát hiện thì số lượng hàng hóa vi phạm không nhiều.
Nhằm ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389 TP.Thuận An đã tập trung chỉ đạo công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 7.159 vụ (tăng 4.658 vụ so với năm 2018), trong đó nổi lên tình trạng sản xuất và mua bán hàng giả, hàng lậu.
Điển hình từ thông tin của Công ty The Gilette Company, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 tiến hành kiểm tra cửa hàng bách hóa tổng hợp Tiến Thành (khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) do bà Ngô Thị B. làm chủ. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 2 phát hiện 480 dao cạo râu hiệu Gilette nghi vấn giả nhãn hiệu. Làm việc với cơ quan chức năng, bà B. không xuất trình được hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc. Kết quả cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính bà B. với số tiền 6 triệu đồng và tịch thu 480 dao cạo râu hiệu Gilette, trị giá gần 3 triệu đồng.
Cũng tại khu phố Bình Thuận 2, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Thuận An chủ trì phối hợp với Đội QLTT số 2 kiểm tra, phát hiện 4.379 bánh xà phòng hiệu Lifeboy nghi vấn giả nhãn hiệu tại hộ kinh doanh do bà Lưu Tuyết Nhiên làm chủ. Qua làm việc, bà Nhiên không chứng minh được nguồn gốc số bánh xà phòng trên. Sau khi tiến hành thu thập đủ tài liệu chứng cứ, Công an TP.Thuận An đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Mua bán hàng giả” theo quy định pháp luật.
Tăng cường phối hợp
Ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “So với năm trước, tình hình vi phạm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn đã giảm đáng kể. Để đạt được kết quả trên, ngay từ năm 2017, UBND phường đã thành lập Tổ liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn phường. Từ khi thành lập đến nay, Tổ kiểm tra liên ngành phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác đã kiểm tra, phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… đặc biệt là việc giải tỏa chợ gia cầm trên địa bàn khu phố 2, được người dân đánh giá cao. Riêng trong năm 2019, chính quyền địa phương đã xử lý dứt điểm việc bán “thịt bẩn” trong chợ Đông Đô”. Ngoài ra, ông Long đề nghị các ngành chức năng cần rà soát, kiểm tra lại việc cấp phép kinh doanh tại các ki-ốt, nhất là trong khu dân cư như ở Việt Sing (khu phố 4) để tránh tình trạng hình thành các điểm buôn bán tự phát, gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
Trong khi đó, ông Khiếu Văn Lần, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y TP.Thuận An, cho biết trong năm 2019, đơn vị đã phối hợp kiểm tra 380 lượt cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật. Qua đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản và đề nghị UBND thành phố xử phạt hành chính 89 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 657 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 152 con gia cầm sống và 2.535kg sản phẩm động vật.
Theo ông Lần, lực lượng thú y đang gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp kinh doanh thịt gia cầm và các sản phẩm động vật. Vì mức tiền phạt cao nên một số hộ kinh doanh không chấp hành đóng phạt, chấp nhận bỏ tang vật tạm giữ và chuyển địa điểm buôn bán. Thậm chí, một số hộ kinh doanh bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chây ì, tiếp tục bán thịt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y. Cụ thể như một số người dân bán chim các loại trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (phường Bình Chuẩn) đã bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý và tháo dỡ lều, trại nhưng một thời gian sau lại tiếp tục bán. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc nhập khẩu, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm”, ông Lần cho biết thêm.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, nhận định trong thời gian tới, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, các đơn vị chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền pháp luật, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiểu biết và tuân thủ quy định pháp luật, không tiếp tay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc trinh sát, quản lý địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Lực lượng QLTT tăng cường rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thủy sản, phân bón để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán phân bón kém chất lượng. Trong công tác cấp phép kinh doanh, ngành chức năng cần tham khảo ý kiến của các xã, phường, tránh việc cấp phép ngành nghề kinh doanh “nhạy cảm” gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội tại địa phương. |
NGUYỄN HẬU