Trước thông tin gừng Trung Quốc chứa chất độc hại: Thị trường vẫn khó kiểm soát!

Cập nhật: 25-05-2013 | 00:00:00

Sau khi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) thông tin gừng Trung Quốc (TQ) có chứa chất trừ sâu cực độc đã dấy lên nhiều lo ngại đối với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, khác với thị trường TP.HCM, tại Bình Dương đa phần tiểu thương tại các chợ đã nhanh chóng tẩy chay gừng TQ. NTD cũng cảnh giác hơn với các mặt hàng xuất xứ từ quốc gia này. Điều đáng lo ngại vẫn là ý thức từ các bếp ăn tập thể...

Cả tiểu thương và NTD đồng loạt tẩy chay gừng Trung Quốc

Vẫn bán cho nhà hàng, bếp ăn tập thể

Gừng được coi là loại nguyên liệu nhỏ, lẻ nên tâm lý của cả người bán và người mua đều ít đề phòng nguy cơ độc hại. Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hàng năm có trên 400 tấn gừng TQ nhập khẩu qua cảng vào TP.HCM. Chưa kể, để tránh việc kiểm soát chất lượng thì nhiều đối tượng còn nhập lậu các sản phẩm khô, trong đó có gừng. Được biết lâu nay, rất nhiều mặt hàng như cà rốt, khoai tây, gừng, súp lơ, tỏi, hành tây... TQ bày bán tràn lan ở khắp các chợ với vẻ ngoài bóng bẩy, căng mọng, thời hạn sử dụng lâu mà giá rẻ hơn 20 - 50% so với hàng Đà Lạt…

Gừng ta lớp vỏ xỉn màu, vỏ dày, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong

Trước những thông tin trên, phóng viên báo Bình Dương đã khảo sát thực tế một số chợ về tình hình kinh doanh mặt hàng này. Tại chợ Thủ Dầu Một, các sạp chuyên mặt hàng hành, tỏi, gừng… khá trầm lắng. So với các chợ nhỏ, các nguyên liệu này có giá thấp hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cầm những củ gừng có nhiều nhánh, nhỏ, mùi thơm nồng đặc trưng, người mua được chủ sạp trấn an lập tức: “Gừng ta đấy, gừng này thơm và để được lâu”. Gừng tại chợ Thủ Dầu Một chủ yếu có 2 loại, được bán đồng giá 25.000 đồng/kg. Khi người mua tỏ ra phân vân về loại gừng củ to, thân trắng là gừng TQ, chị Chung, một tiểu thương với 13 năm kinh doanh tại chợ nói: “Đây là gừng xẻ, loại này khác với gừng TQ vì dễ héo, không để được lâu, củ nhỏ hơn. Trung bình gừng TQ có trọng lượng từ 300 - 400gr/củ”. Bày tỏ về nỗi lo gừng TQ vẫn được các tiểu thương kinh doanh, một cán bộ quản lý chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Hầu hết tiểu thương ở đây đều lấy hàng từ một mối, giá cả và nguồn hàng đều như nhau. Hầu như khi nghe thông tin gừng TQ chứa chất độc hại, tiểu thương đều đồng loạt tẩy chay”. Tại chợ Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi cũng không dễ nhìn thấy gừng TQ được bày bán tràn lan như trước. Tại đây, giá mặt hàng này là 30.000 đồng/kg. Cô Ba, tiểu thương có sạp chuyên cung cấp hành tây, hành ta, tỏi, gừng, giềng… nhanh nhảu tư vấn cho các bà nội trợ: “Đừng mua gừng TQ, giá 2 loại này bằng nhau, tuy mẫu mã của mình xấu hơn nhưng ăn lại thơm, bảo đảm. Nghe có thông tin độc hại là tôi ngưng bán luôn rồi”. Tuy nhiên, qua quan sát, người bán chỉ tẩy chay sản phẩm khi có thông tin độc hại, còn những mặt hàng khác như tỏi, hành TQ thì vẫn bày bán bình thường (giá chỉ bằng 1/2 sản phẩm của Việt Nam). Tại chợ Đình, hầu hết các tiểu thương đều đề phòng với nguồn hàng đang gây xôn xao dư luận, vì thế, sản phẩm này được bày bán khá dè chừng. Nếu như trước đây, các vựa gừng được đổ đống chờ người tiêu thụ thì nay rất khó để thấy mặt hàng này. Tại một sạp nhỏ, khi thấy chúng tôi phân vân, chủ sạp nhanh nhảu lấy 2 mẫu gừng và tư vấn rất cặn kẽ: “Gừng Việt Nam lớp vỏ xỉn màu, vỏ dày, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong. Gừng TQ màu vàng nhạt, lớp vỏ nhẵn nhụi, vỏ rất mỏng, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi, được vệ sinh rất sạch sẽ. Gừng TQ đẹp hơn gừng trong nước nhưng mùi thơm thua xa. Giá bằng nhau 30.000 đồng/kg”. Do là khách mua hàng quen nên chủ sạp này tiết lộ: “Gừng ta là bán cho chị em nội trợ, còn gừng TQ bán cho nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp…”!

Cần tẩy chay triệt để

Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng

Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.

(Theo tài liệu tập huấn kiến thức về ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh)

Theo khảo sát, ý thức của một số tiểu thương tại các chợ đều khá tốt. Họ chủ động ngưng nhập nguồn hàng không bảo đảm chất lượng. Nhiều NTD cũng đề phòng hơn với các sản phẩm có xuất xứ từ nước này. Tuy nhiên, điều đáng ngại lại chính là từ ý thức của một số đơn vị kinh doanh bếp ăn tập thể. Nguyên nhân là do mặt hàng này nhập về có giá thấp hơn và điều quan trọng là để lâu không bị héo, hỏng như gừng ta. Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Kim Loan, Phó phòng Truyền thông và Quản lý ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế cho biết: “Do đây là nguồn thực phẩm nhỏ, lẻ nên rất khó kiểm soát. Việc kiểm tra cần sự huy động lực lượng từ nhiều tuyến tập trung kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… để ngăn ngừa thực phẩm bẩn len lỏi vào các bếp ăn công nghiệp. Điều quan trọng nhất vẫn là truyền thông cảnh báo nguy cơ trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Trước sự lo lắng của nhiều NTD về các sản phẩm có xuất xứ TQ, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã thông tin với báo chí: Với TQ, ngoài gừng, hiện Việt Nam đang áp dụng kiểm tra bắt buộc 15 hoạt chất, trên các mặt hàng rau, củ, quả nhập khẩu. Hiện chúng ta đang tập trung vào 5 trái cây là táo, lê, cam quýt, dưa, nho. Đây là những loại dân mình ăn nhiều nhất, nhập khẩu nhiều nhất và nguy cơ nhiễm các chất độc hại cũng cao nhất. Hiện có 1.200 hoạt chất thuốc BVTV được sử dụng trên thế giới, nên chúng tôi buộc phải đánh giá nguy cơ rủi ro để loại bỏ dần. Chẳng hạn, với trái cây, sẽ loại bỏ trước hết là các thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh, kết hợp phân tích trên cây táo, lê... về đặc điểm phát triển, có sâu bệnh gì, dân hay sử dụng hoạt chất gì, để từ đó kiểm soát chặt chẽ hơn”.

Hiện, kết quả kiểm tra đã có và có chỉ thị cấm nhập, buôn bán gừng TQ, vậy là tẩy chay gừng độc hại. Vì vậy, NTD cần cẩn trọng với tất cả các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tẩy chay là cách tốt nhất để những sản phẩm này không có cơ hội đầu độc bữa cơm của gia đình. Ngoài những bà nội trợ thông thái nên tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định để bữa ăn gia đình luôn an toàn thì những người trực tiếp cung cấp các suất ăn tập thể cũng cần có ý thức, đạo đức nghề nghiệp đối với những bữa ăn mà họ trực tiếp cung cấp cho hàng trăm, hàng ngàn người khác…

 THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=490
Quay lên trên