Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, toàn tỉnh có trên 300 thí sinh trượt tốt nghiệp. Dẫu biết rằng thi là có đậu, có rớt, nhưng các em không nên buồn phiền, vì trượt tốt nghiệp không phải là chấm hết, mà các em vẫn còn cơ hội để vào đời.
Từ kết quả thi năm nay cho thấy, nếu các em cân nhắc, lựa chọn con đường học tập tiếp theo phù hợp với năng lực khi vừa tốt nghiệp THCS thì tương lai các em đã khác so với bây giờ. Việc thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã được ngành giáo dục - đào tạo thực hiện nhiều năm nay, nhưng xem ra phụ huynh vẫn chưa thực sự hiểu rõ về chủ trương này. Một bộ phận phụ huynh vẫn còn tâm lý muốn con tốt nghiệp THPT sau đó mới chọn con đường học nghề. Nếu các em không vào được lớp 10 THPT công lập, các em lại đăng ký vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (TT). Trong khi đó các em không có khả năng tiếp tục học tập, hậu quả là sau 3 năm cố gắng “bơi”, các em không thể tốt nghiệp THPT. Trong khi đó nếu chọn con đường học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề, sau 3 năm các em đã có tấm bằng trong tay và tự tin bước vào đời. Được biết, từ năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT đã giảm 50% chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các TT tỉnh, huyện, thị. Và nếu có nhận các em vào học lớp 10 thì cũng xét điểm chuẩn theo quy định. Từ năm học 2014-2015, các TT phối hợp với các trường trung cấp chuyên nghiệp thực hiện giáo dục hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh.
Và cũng từ kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chúng tôi nhận thấy có một điều nghịch lý, có trường hợp thí sinh trượt tốt nghiệp do bị điểm liệt ở các môn thi bắt buộc, nhưng nếu xét theo các tổ hợp môn xét tuyển đại học thì các em đủ điểm đậu đại học. Theo nguyên tắc, thí sinh phải đậu tốt nghiệp mới được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu thí sinh rớt tốt nghiệp, nhưng có điểm một số môn rất cao cũng không được xét tuyển. Thêm một bài học cho những học sinh học lệch, chỉ chú tâm vào những môn thi đại học.
A.SÁNG