Văn hóa từ chức nhìn từ bóng đá

Cập nhật: 30-08-2017 | 08:42:56

Ngay sau khi kết thúc trận đấu giữa đội tuyển U22 Việt Nam và U22 Thái Lan, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã ngỏ lời xin lỗi người hâm mộ bóng đá Việt Nam về việc không thể đưa U22 Việt Nam lọt vào bán kết SEA Games 29; đồng thời khẳng định sẽ từ chức ngay sau thất bại này. Xung quanh vấn đề này cũng có nhiều luồng dư luận với quan điểm khác nhau, nhưng quyết định của HLV Nguyễn Hữu Thắng là đúng. Bởi từ chức dẫn dắt một đội bóng khi không thực hiện được mục tiêu đã trở thành nét văn hóa trong bóng đá, môn thể thao “vua” được nhiều người hâm mộ và trường hợp HLV Hữu Thắng không phải là cá biệt.

 Từ chức là nét văn hóa đã được hình thành từ rất lâu tại nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tại Việt Nam, văn hóa từ chức cũng đã có từ lâu. Thời phong kiến, có rất nhiều quan viên triều đình “treo ấn từ quan” về làm vườn, dạy học chỉ vì xung đột quan điểm với triều đình hay đơn giản chỉ vì chữ hiếu. Hậu thế còn nhắc mãi những tấm gương sáng như danh sư Chu Văn An, vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi hay Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trí đức cao vời đã cương quyết từ quan, cáo lão hồi hương khi đang ở ngôi cao, chức trọng. Tuy không “treo ấn từ quan”, nhưng trường hợp ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) xin nghỉ hưu trước 2 năm cách đây chưa lâu, cũng được báo chí trong nước đánh giá cao như một tấm gương biết từ chức chỉ vì “mình già rồi, để cho anh em trẻ nó làm” như lời ông Sự bộc bạch.

Từ chức thể hiện danh dự, sự tự trọng, liêm sỉ cá nhân của một con người vì lợi ích chung. Một khi mình không thể cống hiến tốt thì hãy từ chức để dành cơ hội đó cho người khác có thể làm tốt hơn mình. Trở lại trường hợp HLV Nguyễn Hữu Thắng, có người cho rằng U22 Việt Nam thua là do thiếu bản lĩnh chứ có phải do HLV đâu mà Hữu Thắng từ chức. Tuy nhiên, đứng ở góc độ cá nhân HLV Nguyễn Hữu Thắng thì từ chức thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu, người dẫn dắt đội bóng khi không thực hiện được mục tiêu đề ra trước đó. Bất kỳ một môn thể thao nào khi thi đấu cũng sẽ có kẻ thắng, người thua. U22 Việt Nam không vào được bán kết SEA Games 29 cũng là lẽ thường tình và chuyện HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức rồi sẽ qua đi mau chóng. Tuy nhiên, đọng lại từ câu chuyện này là sự gợi mở về văn hóa từ chức vốn đã được đề cập tại nhiều kỳ họp Quốc hội và cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có thủ tục, quy trình pháp lý tạo điều kiện cho việc cán bộ từ chức.

Từ chức là chuyện không mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ. HLV Nguyễn Hữu Thắng là một người suốt đời gắn bó với nghiệp “quần đùi áo số”, nhưng đã ý thức rất rõ văn hóa từ chức. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ sớm ban hành thủ tục, quy trình pháp lý cho việc từ chức, tin chắc rằng sẽ có nhiều quan chức Nhà nước “tự rút lui trong danh dự” để nhường chỗ cho những người có khả năng hơn mình, “để cho anh em trẻ nó làm” như lời ông Nguyễn Viễn Sự từng bộc bạch với báo chí trước ngày về hưu sớm.

Từ chức là việc bình thường, thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng và liêm sỉ của mỗi con người. Do vậy, Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý để những ai chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ có thể từ chức như HLV Nguyễn Hữu Thắng đã làm.

LÊ QUẢNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên