Việt Nam - Lào: Mối quan hệ truyền thống đặc biệt - Bài 5

Cập nhật: 17-07-2017 | 08:26:36

Bài 5: Một dự án nhiều ý nghĩa

 Những vùng đất đầy lau lách và cỏ dại hoang sơ nay đã được phủ một màu xanh ngút ngàn của cao su. Từ sáng sớm, từng tốp công nhân lại tỏa vào lô cao su để kịp khơi dòng nhựa trắng… Đó là những hình ảnh mà ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp khi đến các nông trường của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào. Và để có được những hình ảnh đầy sức sống ấy là cả một câu chuyện dài về sự quyết tâm, đoàn kết và nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân của công ty ngay từ những ngày đầu cách đây đã hơn 10 năm.

 

 Sản xuất mủ tại Nhà máy chế biến cao su Dầu Tiếng - Việt Lào. Ảnh: ĐÌNH HẬU

  Chuyện 10 năm trước

Chúng tôi có dịp đến thăm Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào đóng chân ở Champasak, một tỉnh lớn nằm phía nam của nước bạn Lào xinh đẹp. Champasak không chỉ được biết đến bởi những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đền Wat Phou, thác Khone Phapheng - thác nước lớn nhất Đông Nam Á hay các đền đài cổ mang đậm màu sắc kiến trúc Angkor… mà đây còn là nơi có tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Champasak cũng là địa phương đã ký kết biên bản thỏa thuận về phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đầu tư với tỉnh Bình Dương của Việt Nam vào năm 2006.

Sau khi Bình Dương và Champasak ký kết hợp tác phát triển, hai bên đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, trao đổi giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hợp tác triển khai thực hiện dự án trồng cao su tại tỉnh Champasak. Để triển khai dự án, tỉnh Bình Dương đã giao cho hai đơn vị là Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng phối hợp thực hiện. Tháng 9-2006, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào được thành lập và đi vào hoạt động ngay. Ban đầu, việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc xác định khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như công tác khảo sát, đền bù, khai hoang... Song, nhờ sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương, Champasak cũng như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Champasak, những khó khăn ban đầu dần được tháo gỡ. Từ đó, việc khai hoang được tiến hành thuận lợi, đúng kế hoạch đề ra. Ngày 1-6-2007, công ty đã chính thức trồng mới 1.300 ha cao su tại huyện Ba Chiêng (Champasak). Đây là dấu mốc rất ý nghĩa trong quá trình phát triển của công ty nói riêng và mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Bình Dương - Champasak nói chung.

Thành quả bước đầu

Anh Trần Minh Nhật, Phó Giám đốc công ty cho biết, đến thời điểm này, công ty đã trồng được trên 6.700 ha cao su tại các huyện Paksong, Ba Chiêng, Sanasombun (Champasak) và Lào Ngam, Lakhongphen (Salavan). Khí hậu và thổ nhưỡng ở Lào rất phù hợp với cây cao su nên vườn cây sinh trưởng khá tốt. Vườn cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá cao về quy trình trồng, chăm sóc, kiến thiết cơ bản; đồng thời cho rằng công ty là một trong những đơn vị trong ngành đầu tư ra nước ngoài có suất đầu tư thấp nhất với 130 triệu đồng/ha (trong khi đó định mức suất đầu tư ở Lào vào lúc bấy giờ bình quân khoảng trên 200 triệu đồng/ha). Năm 2013, sau hơn 6 năm đầu tư chăm sóc, công ty đã chính thức mở cạo trên diện tích gần 2.000 ha. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự thành công của dự án, khẳng định sự nỗ lực không ngừng trong hợp tác hữu nghị tích cực và hiệu quả giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em cũng như hai tỉnh Bình Dương - Champasak nói riêng. Dự kiến đến năm 2020, công ty sẽ đưa vào khai thác toàn bộ diện tích hiện có. Hiện nay, công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở châu Á như: Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, số còn lại được xuất sang Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Từ năm 2013, công ty đã thực hiện chế độ cạo D4 trên toàn diện tích vườn cây kinh doanh và thực hiện quản lý tốt quy trình kỹ thuật khai thác. Qua kiểm tra đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vườn cây khai thác của công ty là một trong những vườn cây quản lý tốt về quy trình khai thác. Ngoài ra, công ty còn áp dụng phương pháp cạo để mủ đông tại lô với diện tích trên 600 ha nhằm chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường và giảm giá thành sản xuất. Hiện công ty đang sản xuất 2 sản phẩm gồm SVR 3L và SVR 10.

Cùng với việc thực hiện các bước của dự án theo đúng tiến độ, công ty còn chú trọng quan tâm đến đời sống công nhân lao động, nhất là công nhân tại địa phương cũng như người dân ở trong vùng dự án. Nữ công nhân Nàng Lô, thuộc tổ 1, Nông trường 1 cho biết, trước khi vào làm công nhân công ty, cô chỉ ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy, không có thu nhập ổn định. Từ ngày vào công ty, Nàng Lô làm việc rất chăm chỉ và nhanh nhẹn nên tay nghề được nâng cao, thu nhập từ đó cũng tăng lên. Hiện nay, mỗi tháng Nàng Lô nhận lương khoảng 3 triệu Kip (tương đương khoảng 8,5 triệu đồng). Từ khi có việc làm ổn định, Nàng Lô không còn phải đi rừng, đi rẫy nữa mà còn có thu nhập giúp gia đình ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Minh Dũng, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn công ty, đơn vị đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, chi trả tiền lương kịp thời cho công nhân lao động nhằm giúp người lao động yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty còn dành kinh phí để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho cán bộ, công nhân lao động. Với phương châm “công nhân là tài sản vô giá của công ty”, những năm qua, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần mà còn thường xuyên bảo đảm sức khỏe cho cán bộ công nhân và người lao động trong đơn vị. Tuy còn gặp nhiều khó khăn song công ty luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ làm công tác chuyên môn chăm lo sức khỏe công nhân. Hiện công ty có 2 dược sĩ, 4 y sĩ được bố trí ở các đơn vị và trang bị tủ thuốc cũng như những dụng cụ cơ bản để có thể sơ cấp cứu ban đầu.

Song song với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào còn tích cực thực hiện các công trình phúc lợi xã hội trên đất bạn. Từ năm 2006 đến nay, công ty đã tiến hành các hoạt động phúc lợi xã hội tại 5 huyện của hai tỉnh Champasak và Salavan với nhiều hạng mục công trình. Đó là công trình hỗ trợ xây dựng hồ bơi để phục vụ cho SEA Game 25 được tổ chức tại Lào năm 2009 với số tiền trên 4,7 tỷ đồng; là hệ thống đường đá cấp phối được thực hiện ở hầu hết các huyện của hai tỉnh với kinh phí gần 4 tỷ đồng; là công trình kéo điện ở các bản thuộc huyện Lào Ngam, Sanasombun với kinh phí trên 5,1 tỷ đồng. Công ty cũng đầu tư xây dựng hàng chục giếng khoan bảo đảm nước hợp vệ sinh cho người dân sử dụng, xây đập tràn, hỗ trợ khắc phục hạn hán, lũ lụt, hỗ trợ tổ chức các sự kiện lớn của các tỉnh với kinh phí hàng tỷ đồng.

Với những việc làm thắm đượm nghĩa tình, Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào đã không chỉ góp phần giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong vùng dự án mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân các bộ tộc Lào, nơi công ty đóng chân. Đây cũng là những nét son tô thắm thêm mối quan hệ mật thiết, thủy chung, son sắt giữa nhân dân hai nước, tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. (còn tiếp)

 Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, bảo đảm vườn cây sinh trưởng tốt; thực hiện tốt quy trình khai thác trên vườn cây kinh doanh, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phấn đấu tăng năng suất vườn cây; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất những chủng loại sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường. Song song đó, công ty sẽ thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động trong công ty; tiếp tục quan hệ tốt với chính quyền địa phương trong vùng dự án để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, tạo sự yên tâm và gắn bó lâu dài với công ty, chú trọng an sinh xã hội.

(Ông Huỳnh Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào)

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên