Vụ sữa nhiễm vi khuẩn: Đừng để người tiêu dùng mất lòng tin!

Cập nhật: 10-08-2013 | 00:00:00

Trong mấy ngày qua, các công ty cung cấp sản phẩm sữa nhập ngoại bị nhiễm vi khuẩn đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà phân phối tại các địa phương, siêu thị, cửa hàng để kiểm tra và thu hồi hồi sữa “bẩn” đang bày bán trên thị trường. Mặc dù vậy, không ít người tiêu dùng (NTD) quay lưng với sữa nhập và lo ngại ngay với các sản phẩm sữa được sản xuất trong nước.

Tích cực thu hồi

Ngay khi các thông tin về sữa nhiễm vi khuẩn Clostrium Botulinum gây ngộ độc có thể dẫn đến tử vong từ Fonterra - New Zealand liên tục được công bố trên các phương tiện truyền thông, các công ty cung cấp sản phẩm sữa nhãn hiệu Similac GainPlus EyeQ (Abbott) và Dumex Gold (Malaysia) đã dừng ngay việc lưu thông và tiến hành thu hồi sản phẩm. Tại thị trường Bình Dương, ghi nhận trong sáng ngày 7-8, hầu hết đại lý, cửa hàng bánh kẹo cho biết, không còn bày bán 2 nhãn hiệu sữa nằm trong diện thu hồi. Ngoại trừ các sản phẩm Similac GainPlus EyeQ loại 1,7kg hiện vẫn được bày bán bình thường.

Thông tin về nhiều loại sữa nhiễm khuẩn bị thu hồi khiến các phụ huynh hết sức băn khoăn khi chọn mua sữa cho trẻ nhỏ (ảnh chỉ mang tính minh họa) 

Chủ cửa hàng bánh kẹo Kim Liên (đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, từ chiều 6-8 nhân viên phân phối nhãn hiệu sữa Abbott chủ động thu hồi tại cửa hàng hơn 100 hộp sữa Similac GainPlus EyeQ mới, số 3 dành cho trẻ 1 - 3 tuổi, loại hộp 400g và 900g, thuộc 10 lô sản xuất theo hợp đồng ở New Zealand. Đồng thời, phía công ty cung cấp văn bản xác nhận các lô sản phẩm trong diện thu hồi chưa được bán ra thị trường. “Đối với dòng sản phẩm Dumex Gold 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, loại 800g, với số lô 300513R1 sản xuất ngày 30-5-2013 bởi Công ty Danone Dumex (Malaysia) SDN, chúng tôi không nhập lô hàng này do hàng tồn kho trước đây vẫn còn nhiều”, chủ cửa hàng cho biết thêm.

Chủ cửa hàng bánh kẹo Thủy Tiên (đường CMT8, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) cho hay, khi những thông tin đầu tiên về sữa nghi nhiễm khuẩn của Fonterra được công bố, các lô sữa có vấn đề đã được công ty thu hồi. “Sản phẩm mới vừa được chào hàng, chúng tôi nhập không nhiều. Nhưng toàn bộ số hàng đã được công ty thu nhận lại. Chúng tôi chỉ bán dòng sản phẩm cũ, nằm ngoài các lô có thông báo thu hồi”, chủ cửa hàng này nói.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như Citimart, Big C, TDM, Metro…, hầu hết các quầy kệ đều đã vắng mặt sản phẩm vừa nêu, các dòng sữa khác của 2 hãng này vẫn được trưng bày bình thường. Đại diện Co.opMart Bình Dương cho biết, lô sản phẩm Similac 3 mới được giới thiệu, chưa chuyển hàng về Bình Dương. “Hiện các sản phẩm đang bày bán tại siêu thị không nằm trong số lô hàng bị nhiễm vi khuẩn như công bố. Sáng ngày 7-8 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Bình Dương đã kiểm tra và xác nhận các sản phẩm sữa đang bày bán tại siêu thị không thuộc diện phải thu hồi”, đại diện Siêu thị Co.opMart Bình Dương khẳng định. Phía Siêu thị Big C cho biết, đã dừng bán sữa Similac từ lâu, do vậy đợt thu hồi này không ảnh hưởng đến hệ thống siêu thị trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đừng để người tiêu dùng mất lòng tin

Cục ATVSTP tiếp tục cảnh báo thêm sản phẩm dinh dưỡng công thức Karicare cũng do Công ty Fonterra New Zealand sản xuất bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, bao gồm Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17-6-2016 và 18-6-2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31-12-2014. Tuy vậy, khảo sát cho thấy, tại thị trường Bình Dương hầu như không có sự hiện diện sản phẩm Karicare, thậm chí nhiều người bán còn chưa nghe tên loại sữa này.

Vụ sữa “bẩn” bị vỡ lỡ đã khiến rất nhiều NTD bức xúc và lo lắng, đặc biệt với những bậc cha mẹ đã trót chọn dòng sữa ngoại cao cấp cho con mình. “Con tôi đang uống sữa hãng Dumex, hiện giờ tôi đang phập phồng lo sợ, không biết con có vấn đề gì không? Sữa nhập mà cũng không bảo đảm ATVSTP, vậy thì NTD biết tin vào đâu”, chị L.T.T.H (ngụ CMT8, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) nói trong lo âu.

Còn nhớ cách đây không lâu, “sự cố” chất melamin có trong các sản phẩm sữa nhập về từ Trung Quốc đã gây nên làn sóng giận dữ với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, nay sữa nhiễm vi khuẩn từ công ty có uy tín trên thị trường là một cú “tát mạnh” vào lòng tin của NTD. Nhiều đơn vị cung cấp, kinh doanh sữa cho biết, thị trường sữa tại Bình Dương có xu hướng trầm lắng sau thông tin có nhiễm vi khuẩn, doanh số bán các sản phẩm sữa công thức đang giảm mạnh. “Hiện chúng tôi cũng không dám tư vấn NTD dùng sữa loại nào, khách đã chuyển qua dùng sữa Việt Nam như Dielac, Duch Lady, Nuti…”, chị Hoa, tiểu thương tại chợ Lái Thiêu, TX.Thuận An cho hay.

Như một phản ứng phòng vệ, các doanh nghiệp sữa trong nước như Vinamilk, Nutifood đã nhanh chóng kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khẳng định không sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate của Công ty Fonterra New Zealand cho bất kỳ sản phẩm sữa nào. Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn hiện nay là có không ít phụ huynh cũng không yên tâm sử dụng sữa sản xuất trong nước vì lòng tin đã mất. Anh Lý Quốc Thái (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) tỏ ra vô cùng băn khoăn và lo ngại. Anh cho hay, đã cho con nhỏ sử dụng sữa Frioso Gold 2 - Vinamilk 7 tháng nay, biết thông tin Vinamilk đang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ và EU chứ không phải từ Fonterra New Zealand. Nhưng theo anh, đó chỉ là cách để khách hàng không quay lưng với sữa, chứ khâu nhập khẩu, chế biến, đóng gói… NTD làm sao kiểm tra được. “Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có những đợt thanh tra, kết luận thật công minh để bảo vệ NTD, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ nhỏ. Đừng để NTD mất

Theo thông tin từ Cục ATVSTP, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 7-8, đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam và Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A đã kiểm tra tại 5679 cửa hàng trên cả nước, thu hồi 414 thùng sữa thuộc các lô có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, nâng số lượng thu hồi lên 12.479 thùng trong tổng số 13.163 thùng nghi bị nhiễm theo báo cáo, đạt tỷ lệ xấp xỉ 95%. Hiện các công ty này tiếp tục thu hồi các sản phẩm còn lại.

TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên