Xây dựng chính quyền số: Từ góc nhìn lý luận và thực tiễn

Cập nhật: 01-11-2022 | 08:29:27

(BDO) Để có cái nhìn đa chiều, đưa ra những quan điểm, đóng góp về công tác xây dựng chính quyền số (CQS) trên địa bàn tỉnh, trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thảo “Xây dựng CQS tỉnh Bình Dương - Lý luận và thực tiễn”. Hội thảo đã làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng CQS; đưa ra thực trạng và giải pháp, cũng như bài học kinh nghiệm trong xây dựng CQS.

Hội thảo “Xây dựng CQS tỉnh Bình Dương - Lý luận và thực tiễn” đã thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của nhiều nhà khoa học

Xu thế tất yếu

Phát biểu báo cáo đề dẫn, thạc sĩ Tô Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh, cho biết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. CĐS là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới.

Trong bối cảnh đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc Bình Dương quan tâm và chú trọng phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới CQS được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững cũng là một trong những vấn đề mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thạc sĩ Nguyễn Thế Vinh (giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một), phân tích CĐS là xu thế tất yếu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững cho Bình Dương. Bình Dương có những điều kiện cơ bản để thực hiện CĐS từ quyết tâm của chính quyền, đến có sở hạ tầng và nhận thức của người dân. Song CĐS cũng đặt ra cho Bình Dương một số khó khăn, hạn chế đòi hỏi hệ thống giải pháp đồng bộ từ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh về CĐS đến đầu tư hạ tầng cho CĐS và xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, tầm, tài để đáp ứng yêu cầu của công cuộc CĐS, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.

Vì vậy, để thực hiện tốt quá trình CĐS trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và đi vào chiều sâu đòi hỏi Đảng bộ, các cấp chính quyền tỉnh phải không ngừng kiện toàn về cơ cấu tổ chức, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp các ngành về CĐS; tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ cho CĐS; đồng thời xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tổ chức đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Vì lợi ích người dân, doanh nghiệp

Ông Trương Công Huy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, cho biết để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, CQS ở Bình Dương cần chọn chủ đề vừa bảo đảm kế thừa, phát huy những kết quả nổi bật của tỉnh trong giai đoạn vừa qua, khắc phục được điểm yếu và thể hiện được tính thực tiễn, bản sắc của Bình Dương trong bình diện chung cả nước và tương quan với một số thành phố của các nước trong khu vực; chủ động, tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính có trọng tâm, trọng điểm liên quan mật thiết đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người ngoài tỉnh đến sinh sống; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CCHC theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, CQS, chính quyền liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, phục vụ nhân dân.

Địa phương cũng cần xác định và thực hiện gắn kết việc cải thiện các chỉ số PAPI, PCI với chỉ số PAR Index, SIPAS, DTI, Vietnam ICT Index...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến CQS, gắn với xây dựng thành phố thông minh...

Đồng thời, tỉnh cần tiếp cận, vận dụng phù hợp những bài học kinh nghiệm về thành công trong CCHC Nhà nước đã được Chính phủ, các địa phương có kết quả CCHC tốt rút ra; tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức đánh giá, đo lường mức độ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trực tiếp đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước theo mức độ hoàn thành công việc…

Điều quan trọng nhất là những kết quả CĐS trong CCHC phải vì lợi ích người dân, doanh nghiệp, vì sự phát triển chung. Đối với người dân, doanh nghiệp phải có những kết quả thiết thực từ ban đầu, có thể nhỏ nhưng để thuyết phục, chứng minh lợi ích thiết thực, để từ đó người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành với chính quyền trong CĐS và CCHC.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia viết bài của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ quan, ban ngành và các trường Chính trị. Ban tổ chức hội thảo đã chọn lọc được 31 bài viết tốt nhất và phù hợp với chủ đề để in trong kỷ yếu. Tại hội thảo cũng có các tham luận được trình bày với các nội dung về: Chất lượng đội ngũ công chức xây dựng CQS; CCHC Nhà nước theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, CQS; CĐS trong quản trị nhà nước...

THU THẢO

Chia sẻ bài viết
Tags
PAPIPCI

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=233
Quay lên trên