Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện

Cập nhật: 04-05-2019 | 05:35:02

 Mỗi năm, Bình Dương tăng trên 20.000 học sinh (HS) ở các cấp học, nhất là cấp mầm non (MN) và tiểu học. Số HS tăng cao, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vừa nỗ lực nâng cao chất lượng, đồng thời bảo đảm sự an toàn cho các em trong thời gian học tập ở trường. Với những nỗ lực ấy, từ năm 2016 đến nay Bình Dương không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, cũng như bạo lực học đường (BLHĐ).

 Giáo viên các trường học của TX.Tân Uyên tham dự buổi nói chuyện chuyên đề Phòng chống bạo lực học đường, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp

 Bảo đảm an toàn cho học sinh

Số HS tăng cao chủ yếu ở những địa bàn tập trung phát triển công nghiệp, như: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một. Lo cho HS có đủ chỗ học, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, ngành GD-ĐT còn quan tâm phòng, chống BLHĐ, bạo hành trẻ MN. Với ngành GD-ĐT TX.Dĩ An, ông Lê Minh Phúc, trưởng phòng cho biết từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức pháp luật, phòng chống BLHĐ trong nhà trường và triển khai đến từng cán bộ, giáo viên nhân viên. Từng trường học tạo môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, văn minh. Giáo viên hiểu được tâm sinh lý của HS, biết kiềm chế, tuyệt đối không được dùng bạo lực về hành động cũng như về ngôn ngữ đối với HS, ngay cả với những em vi phạm kỷ luật. Thầy cô luôn là tấm gương sáng để HS tin tưởng, học tập noi theo.

Với những trường có số HS tăng cao, nhà trường chịu nhiều áp lực, trong đó có việc không để xảy ra BLHĐ. Ban Giám hiệu trường THCS Võ Trường Toản (TX.Dĩ An), cho biết từ sự nhắc nhở của lãnh đạo ngành, thầy cô không dùng bạo lực nhưng cũng không tỏ ra bất lực trước HS cá biệt, mà dùng tình thương để cảm hóa các em. Dù các em có ngỗ nghịch như thế nào đi nữa, nếu giáo viên biết dùng tình thương cảm hóa thì các em sẽ sống tốt hơn.

Xây dựng môi trường học tập an toàn cho HS, nhất là trẻ MN đối với tỉnh có số HS tăng cao mỗi năm, luôn là áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người chăm sóc trẻ. Với đặc thù của tỉnh có số trẻ MN tăng mỗi năm khoảng 10.000 trẻ, trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu, nên 70% trẻ MN học ngoài công lập. Đáng lo là số trẻ gửi tại các nhóm trẻ tư thục khá cao, do đó tình trạng bạo hành trẻ rất dễ xảy ra, nếu công tác quản lý không được thực hiện chặt chẽ. Nhưng thật đáng mừng là từ năm 2016 đến nay, Bình Dương không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ.

Nhiều cách làm quyết liệt

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đối với công tác chỉ đạo, quản lý, ngành chỉ đạo phân cấp quản lý các nhóm trẻ, nhà trẻ, trường MN ngoài công lập; quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý, cấp phép hoạt động đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ. Các trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên nêu cao lòng yêu nghề, tình thương yêu đối với trẻ, tinh thần trách nhiệm với nghề. Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc cấp phép thành lập, cho phép hoạt động, xửphạt hành chính, đình chỉhoạt động cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ các cơ sởgiáo dục MN tư thục khắc phục hạn chếtrong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Một hoạt động khác được ngành thực hiện hàng năm là tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên công lập và ngoài công lập, trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là đội ngũ MN tư thục. Bình quân hàng năm ngành chi gần 2 tỷ đồng cho công tác bồi dưỡng đội ngũ. Ngoài ra, sở cũng tổ chức nói chuyện chuyên đề với giáo viên, người nuôi giữ trẻ về tâm lý và kiềm chế cảm xúc, hành vi đối với bản thân.

Ngoài những biện pháp nêu trên, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng năm ngành còn tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, như: Thao giảng, dự giờ, tổ chức cho giáo viên học tập kinh nghiệm, tổ chức các hội thi giáo viên giỏi, cấp dưỡng giỏi cho giáo viên, cấp dưỡng cho trường công lập và ngoài công lập.

 Nhằm điều chỉnh cách ứng xử của nhà giáo theo chuẩn mực, đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Thông tư còn nhằm xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống BLHĐ...

 HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X