Xây dựng thương hiệu “Làng nghề Bình Dương”

Cập nhật: 10-12-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Giải pháp khoa học, khả thi

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 của tỉnh chỉ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế (3,8% GDP, tăng 3,9% so năm 2011). Nhằm đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển ngang tầm công nghiệp, lấy lại những gì đã mất của những làng nghề một thời vang bóng, tiến tới đạt chuẩn tỉnh công nghiệp vào năm 2020, Bình Dương đang tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020.  

Sản phẩm gốm sứ Đại Hồng Phát (TX.Thuận An) được khách hàng ưa chuộng

 Phong phú làng nghề

Tự hào với các ngành nghề truyền thống, lãnh đạo Bình Dương qua nhiều thời kỳ đã rất quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách đầu tư, phát triển các làng nghề. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT), Bình Dương đã xây dựng Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008-2010. Đánh dấu sự phát triển của làng nghề truyền thống giai đoạn này là vào năm 2008, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.TDM) là làng nghề truyền thống của tỉnh. Trải qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, các làng nghề ở Bình Dương cũng gặp nhiều khó khăn, biến động. Nhiều nghề, làng nghề mai một, thu hẹp dần. Ngoài Làng nghề Tương Bình Hiệp đạt nhãn hiệu tập thể, đến nay, Bình Dương vẫn chưa có thêm làng nghề nào được công nhận.  

Sản xuất tranh sơn mài tại doanh nghiệp Thanh Long, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Tuy chưa đạt đến quy mô để được công nhận nghề, làng nghề truyền thống, nhưng theo số liệu mới nhất (Chỉ thị 02/2013/CT-UBND), Bình Dương hiện có 32 làng nghề (mới), 9 nghề truyền thống, 55 làng nghề truyền thống. Với 45.611 hộ, cơ sở tham gia 46 loại ngành nghề truyền thống (NNTT), thu hút 103.182 lao động, giá trị sản lượng đạt 4.802 tỷ đồng/năm. Trong đó, số DN, cơ sở tập trung thành các làng nghề cũng đã ra đời. Nghề làm bánh tráng hiện có 2 làng nghề bánh tráng ở Phú An (Bến Cát) và Thanh An (Dầu Tiếng). Nghề sản xuất guốc, đóng tủ, bàn ghế tập trung ở các làng nghề Phú Thọ, Chánh Nghĩa (TP.TDM), An Thạnh (TX.Thuận An). Nghề mây tre đan phát triển với làng nghề truyền thống ở xã Lạc An (huyện Tân Uyên) và các cơ sở liên kết với TP.HCM như HTX Ba Nhất (Thường Tân, huyện Tân Uyên), hay các HTX ở TX.Dĩ An, huyện Bến Cát. Nghề dệt may đã hình thành cụm đan len Đông Hòa (TX.Dĩ An). Nghề tăm nhang, heo đất, tượng tập trung ở TX.Dĩ An, Thuận An. Nghề cơ khí nhỏ tập trung nhiều ở TX.Dĩ An, TP.TDM, Bến Cát, Phú Giáo. Nghề gốm sứ, vật liệu xây dựng còn một số làng nghề duy trì hoạt động như gốm sứ Tân Phước Khánh (huyện Tân Uyên), gốm sứ Hưng Định, Thuận Giao, An Thạnh (TX.Thuận An). Thực tế giai đoạn này cũng phát sinh nghề mới sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh ở TX.Thuận An, huyện Bến Cát…

Quy hoạch mới với 12 dự án ưu tiên

Thực hiện nghị định của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, năm 2011, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng Quy hoạch phát triển NNNT Bình Dương đến năm 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3530/QĐ- UBND ngày 14-11-2011. Trên quan điểm phát triển NNTT được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, xây dựng và khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức sản xuất các NNTT, nhằm phát triển bền vững.

UBND tỉnh đã định hướng phát triển 9 NNNT, chia thành nhóm nghề truyền thống cần bảo tồn và phát triển gồm mây tre đan, mộc gia dụng, sản xuất guốc, cối, chày thớt, chạm trổ điêu khắc, sơn mài và nhóm nghề truyền thống cần được bảo tồn để không bị mai một, thất truyền, phục vụ phát triển du lịch như gốm sứ, làm heo đất, làm bánh tráng thủ công.

Ngoài các nghề truyền thống, các ngành nghề mới, nhóm nghề ưu tiên phát triển đã được quy hoạch và định hướng phát triển gồm các nghề chế biến nông sản (gỗ, bánh tráng bằng máy), cơ khí, may mặc, xây dựng, vật liệu xây dựng, vận tải, mây tre đan, nhóm dịch vụ du lịch, nhà trọ, sinh vật cảnh, chế biến mủ cao su, bảo quản chế biến rau quả và nấm, thủ công mỹ nghệ, sửa chữa xe máy, điện - điện tử, tư vấn dạy nghề.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt 12 chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư thực hiện trong giai đoạn này là Dự án Xây dựng Trung tâm Bảo tồn phát triển NNNT tỉnh Bình Dương, Chương trình gắn kết NNNT với ngành du lịch, xây dựng các tour du lịch với các điểm tham quan làng nghề truyền thống và các điểm du lịch sinh thái, Dự án Đầu tư XD mô hình trình diễn cây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, Dự án Đầu tư xây dựng một số mô hình sơ chế - bảo quản rau và trái cây, Dự án Khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống đan mây tre lá ở xã Lạc An (huyện Tân Uyên), Dự án Xây dựng làng nghề mây tre lá mới ở Phú An, An Điền (huyện Bến Cát), Dự án bảo tồn nghề sản xuất gốm sứ truyền thống ở Hưng Định (TX.Thuận An), Dự án Bảo tồn và phát triển nghề chạm trổ điêu khắc truyền thống ở Phú Thọ, Chánh Nghĩa (TP.TDM), Dự án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống ở Tương Bình Hiệp, Tân An (TP.TDM), Dự án Xây dựng làng nghề sản xuất mộc gia dụng mới ở thị trấn Mỹ Phước (huyện Bến Cát), Dự án Xây dựng làng nghề mới đan len, may mặc ở Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An) và Đề án Đề xuất, xây dựng một số cơ chế chính sách cho bảo tồn và phát triển NNNT bền vững.

Quyết định 3530/QĐ- UBND với nhóm giải pháp tạo đà phát triển đồng bộ, bền vững

Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển NNNT tỉnh Bình Dương đến năm 2020 đã nhấn mạnh một số giải pháp và tổ chức thực hiện khả thi: “Xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư và phân vùng phát triển NNNT Bình Dương. Vùng phía Nam phát triển ngành nghề ven đô thị, gồm TP.TDM, TX.Thuận An, Dĩ An, một phần huyện Tân Uyên, một phần huyện Bến Cát, với các nghề ưu tiên: sơn mài, gốm sứ, điêu khắc, ngành dịch vụ du lịch theo hướng du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ cho thuê nhà, ăn uống… Vùng phía Bắc gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và phần còn lại của 2 huyện Bến Cát, Tân Uyên, với các nghề ưu tiên phát triển: chế biến nông, lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc, phát triển cơ khí, sửa chữa nhỏ, vật liệu xây dựng phục vụ nông nghiệp và nông thôn, cung ứng vật tư, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.

Thực hiện giải pháp về cơ chế chính sách tài chính, tín dụng, thuế, đất đai để khuyến khích phát triển NNNT, giải pháp về đào tạo lao động cho việc phát triển NNNT, giải pháp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh NNNT bằng nhiều hình thức: tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, thành lập rộng rãi mạng lưới thư viện đến xã, tăng thời lượng và chất lượng đối với các chương trình phát thanh, truyền hình, báo địa phương. Giải pháp đổi mới và nâng cao hoạt động khuyến công, mở rộng hợp tác liên doanh liên kết, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển NNNT, tăng cường, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giải pháp về bảo vệ môi trường”.

Kỳ 2: Tiến độ thực hiện còn chậm

BẢO ANH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên