“Yêu vinh quang với ý nghĩa gian lao”

Cập nhật: 11-11-2016 | 09:04:40

Tôi quen biết Vũ Anh Tuấn, ấp 4, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên từ những ngày học lớp 5, lớp 6, vì ba mẹ tôi làm việc chung đơn vị sản xuất số 3 cùng anh. Từ tấm gương của anh, tôi đã có được những bài học, cảm nhận được những điều tốt đẹp của cuộc sống, “yêu vinh quang với ý nghĩa gian lao”. Mỗi khi trong học tập, lao động, công tác gặp những việc khó khăn, nhớ đến anh, tôi lại có thêm động lực, ý chí quyết tâm hơn.

Dù số phận lấy đi đôi chân, nhưng anh Vũ Anh Tuấn vẫn tiến về đích một cách vững vàng. Ảnh: L.N.L

 Anh Tuấn (sinh năm 1980) có giọng nói rất ấm áp, nhẹ nhàng và cũng rất vui tính. Dáng người anh nhỏ, nhưng gương mặt luôn rạng rỡ tươi vui. Anh làm công nhân khai thác tại nông trường cao su cùng với ba mẹ tôi từ năm 1996. Mặc dù nhỏ con nhất đội nhưng anh làm việc nhanh nhẹn như một con sóc nhỏ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, trong đội ai cũng quý mến anh. Cũng như bao thanh niên trong đội sản xuất, anh cũng ấp ủ những ước mơ nho nhỏ, đời thường cố gắng làm việc kiếm tiền phụ cha mẹ, rồi sẽ cưới vợ, sinh con, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhưng cuộc đời là một chuỗi những bước ngoặt khắc nghiệt thử thách mỗi con người. Và cuộc đời anh đã xảy ra biến cố, khiến những ước mơ bình dị của anh trở thành bọt bong bóng xà phòng.

Năm 2000, sau khi cạo mủ xong, anh trông thấy một nhánh cao su khô thật to trên ngọn cây, nghĩ có thể kiếm thêm vài mét củi bán kiếm tiền phụ mẹ. Anh leo lên, cố hết sức dùng chân đạp cây củi xuống đất, không may trượt chân té từ trên cao xuống đất. Sau 2 tháng nằm viện với sự cố gắng tận tình cứu chữa của bác sĩ, nhưng do tai nạn quá nặng, anh đã bị di chứng liệt nửa người phía dưới, cuộc đời anh phải gắn liền với chiếc xe lăn từ đó. Chán nản, buồn rầu anh bắt đầu sống khép mình trong 4 bức tường trong căn phòng nhỏ. Mọi chuyện sinh hoạt cá nhân trở nên khó khăn hơn. Tính tình anh thay đổi hẳn.

Trong một đêm trời chuyển lạnh, vết thương đau làm anh khó ngủ, anh nghe tiếng ba mẹ nói chuyện ngoài hiên. Nhìn dáng vẻ lo toan buồn rầu của ba và tiếng khóc nghèn nghẹn của mẹ, anh cảm thấy ray rứt. Anh không muốn trở thành người tàn phế cả về thân thể lẫn tinh thần. Hôm sau, anh bàn bạc với mẹ về ý định mở tiệm mài dao cạo mủ. Ban đầu mẹ anh không đồng ý, vì đây cũng không phải là công việc dễ dàng với anh. Nhưng rồi trước quyết tâm của anh, bà cũng bằng lòng mua bộ đồ nghề phục vụ cho tiệm mài dao là chiếc kệ và thùng đá mài với tổng chi phí 650.000 đồng. Ngày đầu tiên làm việc, khách hàng chủ yếu là những người hàng xóm phần vì thương cảm cho hoàn cảnh, phần cũng muốn thử nghiệm tay nghề của anh. Vốn có kinh nghiệm từ những ngày còn đi học cạo mủ cao su nên công việc mài dao với anh đã rất quen thuộc, cộng thêm tính tình cẩn thận, kiên nhẫn và khiếu mài dao khéo léo qua bàn tay anh, những con dao cạo, đục, đẩy trở nên sắc bén, “cạo ngọt hơn, mủ ra đều mà ít bị phạm”, như những khách hàng của anh nhận xét.

Tiếng lành đồn xa, tiệm mài dao của anh đón nhận lượng khách hàng đông hơn không chỉ từ những người công nhân khai thác của nông trường và công nhân khai thác mủ cao su tư nhân trong xã Tân Thành mà còn rộng sang cả xã Tân Định. Công việc của anh bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 19 giờ mỗi ngày. Có hôm, số lượng dao nhiều, anh phải làm đến 21 - 22 giờ để sáng hôm sau công nhân đi ngang qua, gõ cửa lấy dao sớm. Mỗi ngày, tiệm mài dao của anh nhận được từ 150 - 200 con dao, bình quân mỗi tháng anh thu nhập 6 - 7 triệu đồng, vừa có tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình, vừa để phụ mẹ anh trồng vườn hoa nho nhỏ trước sân. Bây giờ, anh lại trở thành trụ cột gia đình! Công việc đã giúp anh làm tốt nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu.

Khi được hỏi trong quá trình làm việc có khó khăn không? Anh bảo, thời gian đầu, ngồi trên xe lăn mà cúi người xuống, mài đến con dao thứ 5 là lưng đau cứng, đến con dao thứ 8 thì hoa cả mắt, tay không cầm nổi dao nữa, nhưng anh vẫn cố gắng mài cho xong số dao đã nhận. Mẹ khuyên nên bỏ công việc, nhưng ý chí quyết tâm không cho phép anh bỏ cuộc, bởi “vạn sự khởi đầu nan”! Khi vượt qua khó khăn, giá trị của những kết quả đó càng có ý nghĩa. Sau một thời gian chịu đựng, cuối cùng công việc cũng quen, dần trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Tiệm mài dao của anh làm việc theo chu kỳ của những người thợ khai thác mủ cho đến ngày hôm nay.

Tôi chọn viết về anh như một tấm gương sáng quanh mình, bởi soi vào anh, tôi đã học được thật nhiều điều tốt đẹp của cuộc sống “yêu vinh quang với ý nghĩa gian lao”. Mỗi khi trong học tập, lao động, công tác gặp những khó khăn, nhớ đến anh, tôi lại có thêm động lực, ý chí quyết tâm hơn để có thể vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, ngày càng hoàn thiện mình hơn cả về phẩm chất lẫn năng lực. Tôi luôn thầm kính phục tấm gương nghị lực phi thường của anh, dù số phận lấy đi đôi chân, nhưng anh vẫn tiến về đích một cách vững vàng…

 Công việc của anh bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 19 giờ mỗi ngày. Có hôm, số lượng dao nhiều, anh phải làm đến 21 - 22 giờ để sáng hôm sau công nhân đi ngang qua, gõ cửa lấy dao sớm. Mỗi ngày, tiệm mài dao của anh nhận được từ 150 - 200 con dao, bình quân mỗi tháng anh thu nhập 6 - 7 triệu đồng, vừa có tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình, vừa để phụ mẹ anh trồng vườn hoa nho nhỏ trước sân. Bây giờ, anh lại trở thành trụ cột gia đình! Công việc đã giúp anh làm tốt nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già sức yếu.

 

LÊ NHẬT LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên