7 giải pháp đột phá phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020

Cập nhật: 09-03-2012 | 00:00:00

Hôm qua (8-3), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chủ trì phiên họp hội đồng để thảo luận, đóng góp ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và dự thảo Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020.

Theo Dự thảo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 là nền giáo dục nước ta đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, dần từng bước hình thành xã hội học tập.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Dự thảo Chiến lược nêu lên 7 giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 là: đổi mới và quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục. Trong 7 giải pháp này, 3 giải pháp được đề cập đầu tiên là các giải pháp mang tính đột phá.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề; cho biết đây là một trong những khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, việc phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải bảo đảm xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao; đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các yêu cầu phát triển khác của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là hai bộ chủ trì soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020 tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung và khẩn trương hoàn thiện các dự thảo chiến lược này trên tinh thần bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, dạy nghề để đề ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn; cố gắng định lượng, tiêu chí hóa các mục tiêu cụ thể được đề cập trong các chiến lược.

T.S

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X