Các cây bút trẻ đâu rồi?

Cập nhật: 05-12-2014 | 10:31:50

Nhắc đến đời sống văn học Bình Dương, người ta nghĩ ngay tới những cái tên đã quá quen thuộc như Mai Lam, Võ Đông Điền, Ngọc Am, Bùi Nhựa, Bá Nhân, Quỳnh Như, Lưu Thành Tựu... Gần đây, bạn đọc đón nhận sự xuất hiện hiếm hoi của các cây viết trẻ Nguyễn Hậu, Liễu Đăng Bình. Không thể phủ nhận vai trò của các cây bút trẻ nói như cách của ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh: “Đó là những cây bút có năng lực, có sự sáng tạo, cách tân, thổi luồng gió mới vào văn học tỉnh nhà tuy luồng gió này vẫn còn rất yếu ớt”.

Văn nghệ sĩ Bình Dương trong một đợt đi trại sáng tác, giao lưu tại Kiên Giang.  

Ảnh: Q.NHƯ

Phân hội văn học trực thuộc Hội VHNT tỉnh hiện có 17 thành viên, đa phần đều có độ tuổi trên 50. Nếu như lấy độ tuổi 35 để phân biệt già - trẻ trong sáng tạo văn chương theo như cách phân chia tương đối của Hội Văn học Việt Nam thì Hội VHNT tỉnh không có tác giả trẻ. Việc phát triển hội viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu. Thiếu đội ngũ kế cận đang trở thành nỗi trăn trở của các nhà văn “đại thụ”. Thi thoảng cũng có một vài cây viết trẻ xuất hiện một vài lần ở đâu đó, xong rồi mất hút.

Hàng năm, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các cuộc thi viết như cảm nhận về Dũng sĩ Hồ Văn Mên, Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên... Qua các cuộc thi, hội đã phát hiện nhiều gương mặt mới có triển vọng; trong đó có nhiều em học sinh, sinh viên đã chứng tỏ năng lực cảm thụ văn chương rất tốt. Tuy vốn sống còn hạn chế nhưng các em vẫn thể hiện được sự tinh tế, sâu sắc trong cái nhìn cuộc sống. Nhưng để các em đi theo nghiệp viết lách lại là chuyện khác. Có thể thừa nhận rằng văn chương chưa thể được gọi là nghề bởi chẳng mấy ai sống được nhờ nó. Nó chỉ thực sự là sân chơi cho những ai có năng khiếu và niềm đam mê. Thực tế cho thấy các bạn trẻ ngày nay có quá nhiều mối bận tâm, áp lực học hành, công việc, sự bùng nổ của các phương tiện giải trí với nhiều sản phẩm “mì ăn liền” nên hầu như không còn chỗ cho văn chương. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đời sống văn nghệ của tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thế hệ nhà văn nói chung và các cây viết trẻ nói riêng có nhiều thua thiệt trong cuộc sống và sáng tác. Một nền văn học khá trầm lắng thì lẽ dĩ nhiên dễ dẫn tới tâm lý sáng tác tùy hứng, thiếu men say, thiếu tính chuyên nghiệp trong đội ngũ sáng tác trẻ.

“Phải chăng có quá nhiều mối lo đã làm mất đi cái lửa đam mê với văn chương và các trang văn, thơ vì thế cũng nhạt nhòa”, ông Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh trăn trở. Đây cũng chính là nỗi lo chung của thế hệ các nhà văn suốt đời gắn bó với nền văn học tỉnh nhà. Các cây bút trẻ phần nào “lộ diện”, nhưng để những cây bút ấy tiếp tục khẳng định mình, tạo chỗ đứng trong lòng bạn đọc vẫn còn là điều gian nan.

HỒNG THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên