Cao quý thay nghề dạy học

Cập nhật: 20-05-2015 | 08:34:08

40 năm qua, từ sau ngày đất nước thống nhất, tiếp nối nhiều thế hệ nhà giáo yêu nước, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà tiếp tục cống hiến, hết lòng, hết sức vì đàn em thân yêu. Từ những cống hiến của người thầy, giáo dục Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

 

 Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT trao huy hiệu 30 năm vì sự nghiệp trồng người cho các nhà giáo đã có công đóng góp cho ngành

 

Vì đàn em thân yêu!

Ở mọi thời đại, nghề dạy học luôn được xã hội trân trọng, xem đây là nghề cao quý trong số những nghề cao quý. Đẹp thay khi có những người thầy, trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, cuộc sống chật vật họ vẫn bám trường, bám lớp, lo cho tương lai của thế hệ trẻ. Có những giáo viên ở phía Nam chưa từng nếm mùi khó khăn gian khổ, nhưng họ đã hăng hái tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, cùng với dân dựng trường, dựng lớp, vận động học sinh (HS) ra lớp học.

Trọn đời vì sự nghiệp giáo dục, nhà giáo ưu tú (NGUT) Đỗ Mỹ Loan (TX.Thuận An) đã để lại hình ảnh đẹp về người thầy tận tụy. Với cô, mỗi buổi đến lớp cô luôn đem đến cho HS những điều mới mẻ. Cô đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc soạn giảng, kết hợp ứng dụng đồ dùng dạy học, giúp cho tiết dạy thêm sinh động, thu hút HS. Mấy mươi năm trong nghề, cô đã bồi dưỡng nhiều HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; bản thân cô cũng được công nhận giáo viên giỏi cấp quốc gia. Và danh hiệu NGUT, cùng với huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” đã minh chứng cho sự cống hiến cho sự nghiệp trồng người của cô.

Với NGUT Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP.Thủ Dầu Một, thầy cũng là một tấm gương tiêu biểu tâm huyết với ngành. Thầy tốt nghiệp sư phạm trong những năm đầu đất nước mới giải phóng và nguyện cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương đất nước. 37 năm trong nghề, ở cương vị nào thầy cũng để lại những dấu ấn đẹp đối với xã hội và với ngành. Trước đây, khi là giáo viên đứng lớp, thầy là một giáo viên dạy giỏi, sau này khi làm công tác quản lý, ở vị trí nào thầy cũng luôn tỏa sáng với khả năng lãnh đạo, điều hành. Từ khi được cấp trên tín nhiệm đề bạt giữ chức Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo, thầy đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay, đưa phong trào giáo dục TP.Thủ Dầu Một đi lên, dẫn đầu nhiều phong trào thi đua của ngành.

Giáo viên trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên) tận tâm, tận tụy với HS

Dù cô Lê Ngọc Phương, giáo viên dạy môn địa lý trường THCS Chánh Phú Hòa (Bến Cát) đã nghỉ hưu, nhưng bao thế hế học trò vẫn còn nhớ mãi về người giáo viên tận tụy, tận tâm với nghề. Những tiết dạy của cô luôn sinh động, do cô phối hợp sử dụng nhiều phương pháp như: Sử dụng đồ dùng dạy học, tổ chức thảo luận nhóm, phát phiếu học tập… Với lòng đam mê nghề nghiệp, hàng năm cô đều bồi dưỡng HS giỏi và nhiều năm có HS đoạt giải cấp huyện, tỉnh.

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành GD-ĐT nói chung, trong đó có các nhà giáo đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” và các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… qua đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà.

Tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo

Với người thầy, chuẩn mực đạo đức được đặt lên hàng đầu. Thầy có mực thước thì trò mới nể phục, xã hội kính trọng. Đạo đức của người thầy thể hiện qua ứng xử sư phạm, tác phong trong giao tiếp đối với đồng nghiệp, với phụ huynh, HS và trong quan hệ xã hội. Đạo đức nhà giáo còn được thể hiện qua cuộc vận động “Hai không”, thể hiện sự nghiêm túc trong công tác tổ chức thi và đánh giá HS, thể hiện sự công bằng trong giáo dục, học thật, thi thật.

Với đội ngũ nhà giáo, dù trong cương vị là người thầy, nhưng các thầy cô vẫn liên tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Học tập là suốt đời, người thầy phải luôn luôn tìm kiếm cái mới phù hợp và cách thức để phát huy sự sáng tạo của HS. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, bậc học đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, làm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ cho việc giảng dạy. Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công đoàn ngành đánh giá, ở từng đơn vị, trường học, các tập thể, cá nhân ký cam kết chỉ tiêu chất lượng chuyên môn, đăng ký học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và tin học để phục vụ cho công tác và hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp, có kế hoạch tự học và ý chí vươn lên rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học.

Sự tận tâm của đội ngũ nhà giáo còn thể hiện qua sự sáng tạo. Đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà nói chung có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, tích cực đổi mới phương pháp dạy, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, hiện nay, hầu hết giáo viên ở các trường học trong tỉnh đã đầu tư soạn giảng bằng giáo án điện tử. Ngoài ra, các nhà giáo đã đưa những kiến thức ngoài xã hội vào bài giảng, giúp cho HS có sự liên hệ thực tế và nhớ bài lâu hơn.

Ông Kim đúc kết, bốn thập kỷ đã qua, thời gian chưa đủ nhiều để đánh giá khách quan, toàn diện “Sự nghiệp trăm năm trồng người”, nhưng đủ ghi nhận một đời thầy, cô trên bục giảng, cán bộ, nhân viên làm công tác giáo dục, để mỗi con người nhận chân giá trị, ngành trân trọng tri ân, nhớ ơn những người thầy, cô, cán bộ, nhân viên tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những nhà giáo, cán bộ, nhân viên tiêu biểu hết lòng, hết sức vì HS thân yêu.

* Ông NGUYỄN VĂN KIM, Chủ tịch Công đoàn ngành:

Chặng đường 40 năm chuẩn bị sang trang, gợi nhớ từng thời kỳ khó khăn, thử thách, thuận lợi, tin tưởng và sáng tạo, sự lãnh đạo, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh nhà và những nhà giáo, cán bộ, nhân viên, những con người miệt mài, thầm lặng, bình thường nhưng tự trọng và đứng vững trên bục giảng, yêu nghề, qua 30 năm chiến đấu góp phần đáng kể vào những thành tựu chung của ngành GD-ĐT và được vinh danh nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015). Sự nghiệp “Trăm năm trồng người” tiếp tục cuộc hành trình của mình với yêu cầu ngày càng cao, buộc phải loại bỏ những yếu kém, tiêu cực, cản trở và chọn lọc những con người, những nhà giáo, cán bộ, nhân viên đủ nhân cách, phẩm chất và trí tuệ góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm sự phồn vinh của dân tộc Việt Nam.

 

 A.SÁNG

 

 


 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X