Chuyển đổi phương pháp giảng dạy theo đề thi minh họa

Cập nhật: 29-01-2018 | 08:45:19

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố đề thi minh họa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Theo nhận định của các giáo viên bộ môn, mức độ đề thi năm nay khó hơn so với năm trước, có sự phân loại học sinh (HS) rõ rệt.

Mức độ đề khó

Vẫn như kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ngoại trừ môn ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo phương thức trắc nghiệm. Nhận xét về đề thi môn toán, thầy Nguyễn Hình Hiếu Trung, giáo viên (GV) trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) nhận xét, nếu đề thi chính thức tương tự đề minh họa thì phổ điểm năm nay sẽ giảm so với năm trước, do mức độ đề khó hơn. Từ câu 1 đến câu 30 mức độ khó tăng dần. Tuy nhiên, HS có sức học trung bình nếu vững kiến thức vẫn làm được bài. Từ câu 31 đến câu 50 mức độ khó hơn, dành cho HS khá giỏi. Đáng chú ý là đề thi năm nay có 2 - 3 câu thuộc dạng câu hỏi lạ, chưa có trong các kỳ thi những năm qua. Với sự phân loại cao như vậy, HS đạt tối đa 9 điểm, khó đạt được điểm 10.


Giáo viên trường THPT Trịnh Hoài Đức nhanh chóng thay đổi phương pháp giảng dạy, ôn tập cho HS lớp 12

Năm 2017 là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở nhiều môn và HS thi theo tổ hợp môn, đề thi vì thế cũng không quá khó với HS, nhưng năm nay mức độ khó của đề thi đã tăng dần. Với môn vật lý cũng vậy, mức độ câu khó tăng dần từ câu 35 đến 40. Theo các GV, đề môn lý cũng có vài câu rất khó, mà HS chưa gặp dạng này. Đó là dạng bài kết hợp giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12. Để làm bài tốt, đòi hỏi HS nắm vững kiến thức và có tư duy cao.

Tương tự, đề thi các môn xã hội cũng khó hơn so với trước. Thầy Vũ Văn Quyết, GV dạy môn sử, trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, câu khó khoảng 10 câu, trong đó có 6 câu rất khó. Theo thầy, với dạng đề như thế thì khả năng 60 - 70% HS đạt điểm trên 5, để đạt được 8 - 10 điểm phải là những HS thật xuất sắc.

Chuyển đổi cách dạy

Từ đầu năm học, tổ nghiệp vụ bộ môn và từng GV đã xây dựng bộ đề ôn tập, nhưng chủ yếu dựa vào bộ đề năm 2017. Theo quy chế thi, đề thi năm 2018 có kiến thức lớp 11, nhưng do bộ chưa công bố đề minh họa nên chủ yếu GV ôn nhắc lại kiến thức lớp 11 cho HS. Từ bộ đề minh họa vừa công bố, GV căn cứ vào đây để có hướng ra các câu hỏi ôn tập cho HS phù hợp với thực tế hơn. Ban giám hiệu các trường THPT cho biết, năm nay có 20% đề lớp 11, chắc chắn HS sẽ quên. Do đó, nhà trường chỉ đạo GV xây dựng kế hoạch ôn tập chương trình lớp 12, kết hợp với nhắc lại kiến thức lớp 11. Trình độ HS ở mỗi lớp khác nhau, thầy cô cũng phân loại HS để giảng dạy phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu kỳ thi cho từng đối tượng HS.

Trao đổi với những GV dạy môn tiếng Anh, các thầy cô cũng cho biết, đề thi năm nay có vài câu khó HS chưa làm quen. Do đó sắp tới GV tăng cường cho HS làm bài tập ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, đồng thời bổ sung thêm những câu hỏi dạng này trong đề cương ôn tập để HS ôn luyện.

Nhanh chóng thay đổi cách giảng dạy, đó là cách làm của từng GV bộ môn. Thầy Vũ Văn Quyết, tổ trưởng tổ nghiệp vụ bộ môn lịch sử của Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết cùng chung sức nâng cao chất lượng kỳ thi, tổ đã tăng cường tổ chức thao giảng dự giờ ở những trường có tỷ lệ tốt nghiệp năm 2017 bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh. Qua đó hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy cho GV, nhằm nâng cao chất lượng chung ở kỳ thi quốc gia cho toàn tỉnh. Một GV dạy môn giáo dục công dân của trường THPT Thái Hòa (TX.Tân Uyên) cũng cho biết, để nâng cao chất lượng kỳ thi, GV đẩy mạnh phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực HS, kiểm tra đánh giá theo đề trắc nghiệm đủ 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và cao; khi giảng dạy phải làm nổi bật trọng tâm bài học. Ngoài ra, GV cũng cần xây dựng ma trận chương trình, cũng như ma trận đề kiểm tra… Trao đổi với em Nguyễn Hoàng Hiếu, HS trường THPT Trịnh Hoài Đức nhận xét, có nắm chắc kiến thức mới làm được bài trắc nghiệm, do đó thầy cô kết hợp vừa ôn tự luận, vừa cho HS làm quen với bài trắc nghiệm. Những HS khác cũng cho biết thêm, với phần kiến thức lớp 11, có khoảng 10 câu, nhưng có những câu khó các em không làm được.

Theo kế hoạch, vào đầu tháng 3 tới kết thúc chương trình lớp 12, khi đó thầy cô sẽ tăng cường ôn tập cho HS nhiều hơn, giúp HS đạt kết quả cao ở kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

 A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X