Đại học Thủ Dầu Một và kế hoạch hành động đổi mới căn bản, toàn diện

Cập nhật: 08-08-2014 | 08:46:31

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt. Ngày 25-7-2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận vừa ký ban hành kế hoạch hành động của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 44/ NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trước thềm năm học 2014-2015, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một - ĐH Công lập của tỉnh Bình Dương.

Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu một trong giờ học thực tế

 - Thưa TS, xin TS cho biết những điểm đáng chú ý trong kế hoạch hành động lần này? Theo TS thì kế hoạch hành động này có những điểm gì đáng chú ý?

- Theo kế hoạch này thì trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ quan trọng: Tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc tế; đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác quản lý GD-ĐT; tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT; chủ động hội nhập vànâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT.

Song hành với các nhiệm vụ thì Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện. Đáng chú ý ở kế hoạch này là giải pháp đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả GD-ĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục.

- ĐH Thủ Dầu Một đã có kế hoạch hành động như thế nào, thưa TS?

- ĐH Thủ Dầu Một đã chủ động rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm thống nhất, liên thông theo từng ngành, nhóm ngành, nhóm nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước tiên tiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH của Việt Nam. Bên cạnh đó, trường còn phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện chuyển đổi ngành, nghề của người lao động.

Nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên; triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy, học và trình độ đào tạo.

Song song đó, ĐH Thủ Dầu Một còn tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế đã có; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để xây dựng quan hệ mới với các trường ĐH và tổ chức quốc tế nhằm đem lại nguồn lực hỗ trợ hữu hiệu cho trường; khuyến khích và hỗ trợ cán bộ khoa học, giảng viên tham gia nghiên cứu và viết bài đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước...

- Xin TS có thể nói rõ thêm về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá mà nhà trường đang thực hiện?

- Hiện ĐH Thủ Dầu Một đang tích cực triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng đào tạo, cụ thể:

Rà soát chương trình đào tạo của tất cả các ngành theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động nghề nghiệp sau này của sinh viên (đủ lượng kiến thức lý thuyết, tăng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán từ thực tiễn nghề nghiệp...); đổi mới phương pháp dạy học theo hướng gợi mở, phát hiện và giải quyết vấn đề, kết hợp với tự học, tự nghiên cứu của sinh viên; từ đó chuyển dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của sinh viên; tăng khối lượng, thời lượng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời mở rộng các hình thức nghiên cứu khoa học cho sinh viên như bài tập lớn, tiểu luận...; chuyển kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên dựa chủ yếu vào khả năng tái hiện kiến thức sang kiểm tra, đánh giá những phẩm chất, năng lực được hình thành ở sinh viên theo mục tiêu của từng ngành đào tạo; xây dựng hệ thống học liệu cho các ngành đào tạo, tiến tới tất cả các học phần trong chương trình đào tạo của từng ngành đều có giáo trình, tài liệu; định kỳ rà soát, bổ sung chuẩn đầu ra các ngành đào tạo; ưu tiên đầu tư kinh phí, nhân lực cho những đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn; những đề tài nghiên cứu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực; tăng cường hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành; khuyến khích sinh viên tham gia với cán bộ giảng dạy nghiên cứu các đề tài, thực hiện các chương trình, dự án...

Song song đó, nhà trường tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (theo các cấp độ khác nhau: bộ môn, khoa, trường).

- Đối với đội ngũ giảng viên, trường đã có kế hoạch gì nhằm nâng cao chất lượng giảng viên, một nhân tố quan trọng trong việc đổi mới toàn diện?

- Hiện nay, nhà trường đang phối hợp với đơn vị góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc; chủ trì chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trong nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; xây dựng cơ chế để cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên; tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút các chuyên gia tham gia giảng dạy vànghiên cứu khoa học tại trường; tiếp tục thực hiện việc sinh viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Đối với khối ngành sư phạm, tiếp tục rà soát chương trình khung đào tạo giáo viên phổ thông theo hướng mở, trong đó đặc biệt coi trọng việc tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm; bổ sung các học phần về khoa học đánh giá, đo lường trong giáo dục; về hòa nhập, về giáo viên chủ nhiệm lớp và tư vấn hướng nghiệp...; bổ sung các nội dung liên quan đến đổi mới giáo dục các cấp vào chương trình đào tạo giáo viên của nhà trường; coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm; bảo đảm đủ giảng viên về số lượng và cơ cấu tại các khoa/ngành sư phạm; hình thành đội ngũ chuyên gia về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; về nghiên cứu Khoa học giáo dục; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông...

- Xin cảm ơn TS!

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X