Đánh giá học sinh bằng nhận xét: Thể hiện sự tận tâm của giáo viên đối với học sinh

Cập nhật: 23-01-2015 | 10:11:50

Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) triển khai Thông tư số 30/2014/TT-GDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá học sinh (HS) tiểu học (TH). Qua một thời gian thực hiện, các trường TH trong tỉnh đã từng bước quen dần với hình thức này. Nhiều giáo viên (GV) đã có những nhận xét thể hiện được sự tận tâm, tận tình của mình dành cho HS trên mỗi trang vở, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng phụ huynh và HS.

 HS trường TH Đông Hòa, TX.Dĩ An trong giờ học. Ảnh: N.THANH

Tình thương và trách nhiệm

 Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An cho biết: “Ban đầu, nhiều GV cũng gặp khó khăn với những thay đổi trong việc đánh giá HS, thay vì cho điểm GV lại phải nhận xét bằng lời. Có một số GV cũng có ý định khắc dấu những lời nhận xét để “đóng” cho nhanh nhưng các trường đã ngăn chặn ngay từ đầu. Việc nhận xét, đánh giá HS theo Thông tư 30 đã thể hiện tình thương và trách nhiệm của GV đối với HS”.

Trước đây, GV chỉ đánh giá kết quả học tập cuối cùng của HS, nhưng hiện nay không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà phải đánh giá cả quá trình học tập của các em. Ông Hồ Văn Lài, Hiệu trưởng trường TH Lê Quý Đôn, TX.Dĩ An cho biết, GV của trường cũng đã quen với việc áp dụng đánh giá thường xuyên, đánh giá bằng nhận xét. Nhất là đối với HS lớp 1, việc cho điểm gây nhiều áp lực với HS, vì các em mới tập viết, lại cũng mới vừa buớc vào môi trường TH. Để nhận xét HS, các cô giáo sẽ quan sát và đưa ra nhận định, động viên những điểm HS làm tốt và những điểm chưa làm tốt để phụ huynh biết rõ về con em mình. Nhiều GV còn có những nhận xét rất sâu sắc, từ đó phụ huynh cùng chung tay động viên, phát huy những thế mạnh và hỗ trợ kịp thời, giúp HS vượt qua những mặt còn hạn chế.

GV vất vả hơn

Hầu hết GV TH đều cho rằng, để hoàn thành việc nhận xét, đánh giá HS thì các GV gần như không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí phải làm thêm giờ. Sáng phải đến trường sớm hơn để hoàn thành nốt bài của HS còn lại hôm trước. Trưa, tranh thủ HS nghỉ, GV ghi nhận xét, đánh giá. Những thầy cô giáo nào gần nhà, chiều được nghỉ cũng phải ôm vở học trò về để đánh giá rồi mang lên trường.

Cô Trần Thị Thanh Tâm, GV trường TH Phan Chu Trinh, TX.Thuận An, cho biết: Việc không cho điểm không phải GV sẽ nhàn hơn mà GV còn vất vả nhiều hơn trước. Thay vì chỉ chấm điểm trong một bài làm, một thời điểm nhất định, GV phải bỏ công sức theo dõi, quan sát HS nhiều hơn để đưa ra các nhận xét chính xác. Việc đánh giá HS phải bao quát suốt cả quá trình học tập của từng em.

Cô Đặng Thị Chung, GV lớp 2/10, trường TH Bình Hòa, TX.Thuận An cũng cho biết, đánh giá bằng nhận xét vở HS hàng ngày thì GV làm bình thường, nhưng còn phải đánh giá vào sổ sách nữa. GV phải nhận xét hàng tháng ở cả 3 lĩnh vực: Kiến thức kỹ năng, năng lực và phẩm chất. Một lớp có 50 em thì mỗi tháng GV phải viết 150 nhận xét vào sổ, còn vào tập vở các em thì đương nhiên ngày nào cũng phải viết vài chục nhận xét. Cô nhận xét không kịp nên phải tranh thủ nhận xét vào giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa, giờ học…

Việc nhận xét HS hàng ngày đã vất vả, cuối học kỳ I công việc của các cô còn nặng nề hơn. Một GV cho biết, các cô phải nhận xét vào sổ theo dõi nhận xét qua hơn 4 tháng học của học kỳ I, sổ học bạ và nhiều loại sổ sách khác.

Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho rằng lâu nay, GV vẫn có trách nhiệm đánh giá bài kiểm tra của HS bằng cách cho điểm kết hợp với nhận xét. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khi GV chỉ chấm bài cho điểm, không ghi nhận xét hoặc ghi nhận xét nhưng lời nhận xét không giúp cụ thể cho HS phải làm như thế nào để học tốt hơn. Giờ đây, việc đánh giá thường xuyên HS bằng nhận xét, thông qua đó phụ huynh và HS cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, tình cảm của GV dành cho HS. Từ đó, mỗi HS sẽ nhìn thấy được khả năng, sở trường của mình để phát huy; đồng thời, cũng biết được rõ hạn chế, những điểm cần cố gắng hơn trong học tập để khắc phục với sự hỗ trợ, giúp đỡ của GV. Gia đình cũng trên cơ sở đó cùng phối hợp giáo dục HS, giúp các em tiến bộ.

Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng Giáo dục TH, Sở GD-ĐT: Trước khi triển khai thực hiện Thông tư 30, để GV đỡ vất vả, ngành linh động cho phép GV có thể sử dụng sổ sách điện tử hoặc 1 quyển sổ dùng chung cho nhiều môn học. Dù đã có hướng mở, nhưng do những nguyên nhân khách quan, không có địa phương nào thực hiện được.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X