Đẩy mạnh tuyên truyền chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Cập nhật: 19-11-2020 | 07:40:29

Vừa qua, Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng chống bạo lực (PCBL) trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Qua đó, công tác tuyên truyền về BĐG tiếp tục được đẩy mạnh đến người dân trên các huyện, thị, thành phố. Hy vọng, thông điệp trên sẽ thật sự lan tỏa, vun đắp các giá trị tinh thần cao đẹp, thiết lập môi trường sống hạnh phúc, bình đẳng.

 TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP.Hồ Chí Minh nói chuyện về quyền bình đẳng giới với phụ nữ tỉnh Bình Dương

 Những thành quả đáng khích lệ

Thực hiện công tác BĐG giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã đạt những thành quả đáng khích lệ như: Chính sách, quy định về BĐG được phổ biến rộng rãi trong đời sống nhân dân; tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp và HĐND các cấp nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước; tỷ lệ phụ nữ được giải quyết việc làm hàng năm luôn đạt trên 59%; tỷ lệ giới tính khi sinh luôn được khống chế dưới mức 106 trẻ trai/100 trẻ gái; 100% nạn nhân bị bạo lực và người gây bạo lực được tư vấn, hỗ trợ hoặc xử lý. Nhiều năm trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em. Phụ nữ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn trong phát triển sự nghiệp và được hỗ trợ công việc gia đình.

Từ năm 2016 đến nay, Tháng hành động vì BĐG và PCBL trên cơ sở giới đã trở thành hoạt động trọng tâm, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện BĐG, PCBL đối với phụ nữ và trẻ em. Các hoạt động chính diễn ra trong tháng hành động bao gồm: Tổ chức lễ phát động Tháng hành động BĐG trên khắp 9 huyện, thị, thành phố; tổ chức hội thảo BĐG, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, tổ chức chiến dịch truyền thông tại các địa phương.

Nói về công tác BĐG, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết công tác BĐG ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt nhiều thành tựu, được quốc tế đánh giá cao. Phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò xã hội và gia đình. Trẻ em cũng được chăm sóc, bảo vệ và được tạo điều kiện tốt hơn để phát triển toàn diện, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của đất nước. “Lễ phát động tháng hành động hàng năm là điểm nhấn, đẩy mạnh tuyên truyền BĐG nhằm thu hút sự quan tâm, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc thực hiện BĐG, PCBL đối với phụ nữ và trẻ em. Với chủ đề “Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em” năm nay, việc đẩy mạnh tuyên truyền BĐG đến các đơn vị, cơ quan, tổ chức và người dân trên toàn tỉnh được nâng cao; các vụ việc vi phạm BĐG được xử lý nghiêm khắc”, bà Hằng nói.

Định kiến giới vẫn đang tồn tại

Dù đã đạt những thành quả đáng ghi nhận trong công tác BĐG, tuy nhiên, những định kiến giới vẫn đang tồn tại. Bà Nguyễn Ngọc Hằng thông tin, tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực vẫn đang xảy ra dưới nhiều hình thức. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thiên tai tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế cho thấy khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến các căng thẳng gây bao lực gia đình hoặc làm gián đoạn việc học tập của trẻ em, nhất là trẻ em gái.

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TP.Hồ Chí Minh, cho rằng BĐG là bình đẳng cho cả nam giới lẫn nữ giới và cả giới tính thứ 3. Tại Việt Nam, tuy công tác BĐG được triển khai sâu rộng đến tất cả các địa phương, vai trò người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên, nhưng bất BĐG vẫn đang tồn tại, người phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi. Trong đó, tùy vào tập quán vùng miền mà vai trò người phụ nữ chưa được đề cao. Quan niệm về con gái không cần phải học nhiều, hay tài sản cha mẹ để lại cho con không được chia đều, nặng về người con trai cả, con trai út vẫn tồn tại…

TS Phạm Thị Thúy lấy thực tế việc một đồng nghiệp đang công tác chung trường. Dù nữ đồng nghiệp này rất giỏi, nhưng chồng chỉ cho phép lấy bằng cử nhân chứ không cho lấy bằng tiến sĩ. Chồng là một doanh nhân thành đạt, nên không cần vợ phải học tập, phấn đấu nhiều mà chỉ cần tập trung vào việc chăm sóc gia đình có 3 người con. Vì thế, người đồng nghiệp của tiến sĩ dù rất đam mê công việc, học tập nhưng vì gánh nặng gia đình, không được chồng ủng hộ, đành gác lại niềm đam mê…

Rất nhiều vụ việc thực tế về định kiến giới, bất BĐG được TS Phạm Thị Thúy truyền đạt tại lễ phát động, đó cũng là thông điệp nhắc nhở nhiều người về việc nuôi con, dạy con, tạo sự bình đẳng trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. “Để BĐG đến từng cá nhân, hộ gia đình thì công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng đến từng ấp, xã; phải từng bước nâng cao kiến thức cho cán bộ cơ sở tham gia công tác BĐG. Làm được như thế thì công tác BĐG mới đạt được kết quả tốt hơn”, TS Phạm Thị Thúy cho biết.

 Thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, từ năm 2011 nữ cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung từ 1 tháng trở lên, ngoài các chế độ hỗ trợ chung, còn được 200.000 đồng/người/tháng nếu học trong nước, thêm 50 USD/người/tháng nếu học ở nước ngoài. Từ năm 2019, mức hỗ trợ tương ứng lần lượt là 500.000 đồng/người/tháng và 50 USD/người/tháng. Đây là chính sách riêng của tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, góp phần giảm khoảng cách giới trong trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trình độ sau đại học.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên