Đời đời ghi nhớ, tri ân

Cập nhật: 29-01-2015 | 10:05:13

Trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, nhiều người con đã hy sinh xương máu, nhiều bà mẹ đã hiến dâng những người thân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh, các mẹ mãi mãi được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ, tri ân.

Sẵn sàng khi Tổ quốc cần

Được gặp và trò chuyện với mẹ Lê Thị Đậu (SN 1930) ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát khiến chúng tôi càng thêm tự hào trước những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Những ký ức của chiến tranh chợt ùa về như những thước phim quay chậm. Nhắc đến chiến tranh, mẹ Lê Thị Đậu lại nhớ và nghĩ đến hai người con đã hy sinh, đó là anh Lê Văn Lính (SN 1950) và anh Lê Văn Kết (SN 1954).

Mẹ Đậu có 5 người con trai thì 2 người chết vì bom đạn của Mỹ từ khi còn nhỏ. Anh Lính là con thứ hai của mẹ. Lúc 15 tuổi, anh đã tham gia cách mạng. Anh là bộ đội chủ lực, tiểu đội trưởng quân đội nhân dân Việt Nam. Sau một trận đánh ác liệt, Tết năm 1968, anh Lính về thăm mẹ khi đang bị thương và biếu mẹ một chiếc đồng hồ. Mẹ bảo: “Con ở nhà với mẹ một thời gian cho khỏe đã rồi hãy đi!”, nhưng anh kiên quyết: “Tổ quốc đang cần con mẹ ạ!” và anh lại ra đi. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ nhìn thấy anh, vài ngày sau đúng mùng 9 tết, anh đã vĩnh viễn rời xa mẹ, thân thể hòa với cát bụi trong một trận chiến ác liệt tại Chiến khu Long Nguyên. Mãi sau khi giải phóng, đồng đội của anh về báo mẹ mới biết con trai mình đã hy sinh.

Còn anh Lê Văn Kết là người con trai thứ tư của mẹ Đậu. Khi giặc Mỹ gom ấp chiến lược, bắt anh đi lính, anh đã giết chết chủ ấp rồi bỏ vào rừng theo cách mạng. Năm 1970, trong một lần quần nhau với địch, anh Kết cũng bị địch bắn chết. Lần này mẹ Đậu biết con trai đã hy sinh, nhưng mẹ đành nuốt nước mắt vào trong vờ như không biết. Mẹ cũng không đến nhận xác con để tránh sự nghi ngờ của giặc. Bởi lúc này, bản thân mẹ cũng đang làm cách mạng.

Mẹ Đậu tham gia cách mạng từ rất sớm, bắt đầu từ những việc làm rất bình thường như đào hầm, tiếp tế lương thực… Sau này, mẹ được quân ta cài vào làm trong sở Mỹ. Tại đây, mẹ đã nắm bắt và cung cấp thông tin cho quân ta. Không chỉ vậy, mẹ Đậu còn là một phụ nữ rất gan dạ. Nhiều lần mẹ thực hiện gài mìn giết chết lính Mỹ. Có lần mẹ gài hỏa tiễn chuồn chuồn để giết bọn địch nhưng không nổ. Sau khi dò la kỹ, mẹ đã dũng cảm bọc mìn trong túi áo và đem gài vào kho xăng. Lần đó, mẹ đã tiêu diệt được 2 lính Mỹ và làm bị thương nhiều tên khác, đồng thời gây thiệt hại lớn cho kẻ thù… Có dịp ngồi với mẹ, nghe mẹ kể lại những kỷ niệm một thời hào hùng, những hình ảnh về mẹ, người phụ nữ gan dạ, kiên trung lại hiện lên lung linh, ngời sáng. Mẹ Đậu đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chiến tranh giờ đây đã lùi xa, nhưng hàng đêm mẹ vẫn thao thức để nhớ về những người con anh dũng đã hy sinh của mình. Dẫu chưa tìm được mộ anh Lính, nhưng mẹ Đậu không còn bồn chồn, day dứt nữa. Mẹ bảo, con trai mẹ đã ngủ yên trên mảnh đất quê hương, mà quê hương thì nơi đâu cũng là nhà. Mẹ vẫn quả quyết, khi nào Tổ quốc cần, mẹ cũng sẵn sàng động viên các con, các cháu lên đường ra trận. Các con của mẹ đã hy sinh vì nước, vì dân, dù mất mát nhưng mẹ tự hào. Hôm nay, mẹ vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đó là niềm vui để an ủi, xoa dịu phần nào những nỗi đau. Mẹ bảo, chẳng còn mong muốn gì cho cá nhân. Mẹ chỉ mong các thế hệ con cháu mãi ghi nhớ, tiếp nối truyền thống cha ông, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh để xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập hôm nay.

Mẹ vẫn kiên định 

“Vì con, mẹ khổ đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn...”. Mượn những vần thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi nói về mẹ, anh Lê Quang Định, con trai mẹ Phan Thị Ba, khu phố 3, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một bật khóc khi nhìn lên di ảnh của mẹ.

Chỉ còn ít ngày nữa, tỉnh sẽ tổ chức lễ phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 34 mẹ còn sống, trong đó có mẹ Phan Thị Ba. Thế nhưng, vì tuổi cao sức yếu mẹ đã không chờ đợi được đến ngày vinh danh danh hiệu cao quý này. Theo anh Định, nghe tin cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phường báo về việc chuẩn bị đi nhận danh hiệu mẹ rất vui. Mỗi ngày mẹ cố gắng ăn, ngủ đúng giờ để cải thiện sức khỏe, thế nhưng vẫn không thắng nổi bệnh tật. “Dù mẹ không còn, nhưng tôi tin rằng nơi suối vàng mẹ cũng đang ngậm cười bởi Đảng, Nhà nước và các thế hệ con cháu luôn ghi nhớ sự cống hiến hy sinh của mình”, anh Định nói.

Trở về với quá khứ, chúng tôi được nghe các con của mẹ kể về truyền thống cách mạng của gia đình với đầy niềm tự hào. Mẹ sinh ra và lớn lên tại xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (nay là xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng). Cũng như bao cô gái dũng cảm của vùng đất Lai Uyên, mẹ tham gia cùng chị em tải đạn, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Trong quá trình công tác, mẹ gặp và kết duyên cùng ông Lương Văn Duy, bộ đội tập kết từ Bắc vào Nam. Sau khi cưới, ông tiếp tục hoạt động cách mạng mật tại vùng đất Lai Uyên và các xã trong huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước (ngày nay). Chồng tham gia cách mạng, mẹ tiếp tục công việc đồng áng và ở nhà chăm sóc các con. Năm 1959, hoạt động bị lộ, ông đưa vợ con về sống tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một.

Mặc cho cái chết luôn cận kề, ông Duy vẫn tiếp tục kết nối với anh em đồng đội tại rừng Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên (nay là phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) để hoạt động mật. Năm 1961, mẹ vào thăm chồng, trên đường đi bị địch bắt. Lúc này, ông Duy cũng bị phát hiện, chúng bắt giam ông suốt 3 năm. Biết mẹ có 9 người con, chúng lấy các con ra hù dọa bắt khai hoạt động của chồng. (Mặc dù vợ chồng mẹ có 9 người con chung, nhưng phải mang 2 họ khác nhau để tránh tai mắt của địch). Thế nhưng dù bị đánh đập nhưng một lời mẹ vẫn không khai, chúng đành phải trả mẹ về với gia đình.

Trong khi mẹ bị bắt, anh Lê Quang Quan (con đầu của mẹ) cũng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 5 năm hoạt động, năm 1966, địch càn vào nơi đơn vị đóng quân tại Vĩnh Tân, được lệnh anh em đồng đội rút sâu vào trong rừng. Lúc này, anh Quan quyết định đi sau để đánh mìn chặn địch bảo vệ sự an toàn cho đồng đội. Không may, kíp mìn bị hư không phát nổ và anh bị địch bắn chết. Đến nay, hài cốt của anh vẫn còn nằm đâu đó ở mảnh đất Vĩnh Tân.

Tinh thần yêu nước của ba mẹ, anh trai dường như “ngấm” sâu trong tâm hồn người thanh niên Lương Văn Lộc (con thứ 3 của mẹ). Anh Lộc xin gia đình thoát ly và được cử làm Đại đội trưởng, Đại đội Pháo binh C61 (Bến Cát). Năm 1971, trong lúc đơn vị chuyển quân từ Lai Uyên về xã Hòa Lợi, anh và 2 đồng đội đi sau đã bị địch phục kích. Anh hy sinh anh dũng cùng với 1 đồng đội, 1 người may mắn chạy thoát. Hiện hài cốt của anh đã được đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TX.Tân Uyên.

Anh Định kể: “Năm 1965, anh cùng mẹ đi thăm anh Quan. Nhìn thấy mẹ và em trai, anh vui mừng ôm chầm lấy mẹ và tôi. Anh hứa với mẹ sẽ về khi đất nước hòa bình. Anh dặn tôi ở nhà phải ngoan ngoãn, phụ giúp ba mẹ và chăm sóc các em nhỏ. Nhìn anh khoác trên mình bộ áo xanh màu lính lòng tôi cảm thấy rất tự hào. Giờ đây, các anh đã hy sinh, ba mẹ mất nhưng tiếp nối truyền thống của gia đình, chúng tôi luôn nhắc nhở, dạy dỗ con cháu chăm ngoan, cố gắng học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

NGỌC THANH-THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên