Đời người xuyên thế kỷ

Cập nhật: 08-09-2014 | 16:30:20

Điệp viên A.13 Hoàng Đạo

>> Xem bài trước

Ông Hoàng Đạo bỗng giơ ra trước mặt cho tôi quan sát nắm tay của ông, gõ trên mặt bàn thành từng tiếng, dứt khoát giống như ký hiệu. Khi thì cả nắm đấm đập nhẹ xuống, khi lại nghiêng rất nhanh: “Đây là cách tôi học được ông Nguyễn Lương Bằng dạy nói chuyện bằng tay - kiểu đánh moóc. Cô để ý các tiếng gõ, có đủ chữ cái đây, có cả a, à ả”. Ông gõ cho tôi nghe và tự dịch: “Anh ăn gì? Còn đây: Anh tên gì? Bị bắt ở đâu? Chúng tôi “nói” chai mòn cả tay. Thậm chí có thể “cười” bằng tay nữa. Mỗi lần gặp nhau ở hành lang, ông Bằng không nhìn vào ai cả, nhưng luôn luôn đọc kéo dài như người rao nho nhỏ: “Khai nhiều tội nặng - tù lâu - nghe không”. Ông cứ “rao” hoài chỉ mấy chữ đó. Cho đến khi đi tắm, ông tranh thủ giảng giải cho tôi. Mình khai, nó không tin là hết. Nó sẽ đánh hoài. Ông còn dạy cách: “Hễ bị đánh thì cứ nói thế này: “Thầy Năm ơi, tôi đâu có tội gì đâu thầy Năm. Có thù oán thầy đâu thầy đánh, tôi chỉ đánh Tây cứu nước”… Có lần nghe thầy Năm sáng kiến đánh ra ngoài rồi quát “kêu lên”. Vậy là mình lại la “Ôi! Thầy Năm ơi đau lắm”. Thầy Năm quát: Đ.M. có khai không? Cách mạng của tụi bây thành công, mướn tao đánh cũng vậy à…

“Cô biết không. Ngoài kiểu số 1 đánh gan bàn chân bằng roi mây, người tù ở Catinat còn tổng kết được kiểu 2 mà người ta đồn là “đi tàu bay” “tác phẩm” của thầy Năm “tàu bay” quê ở Thủ Đức, không rõ đúng không - bây giờ cô thấy ông Bùi Công Trừng có kiểu đi lom khom kỳ lạ là do đi máy bay kiểu này đây - Kiểu 3 là lận mề gà muốn gãy tay, ói máu. Kiểu đánh thứ 4 là một chị phụ nữ ở truồng ngồi lên mặt. Bà này thương, ngồi nhón nhón, nó kéo cái chân cho bà ngã ngồi trên mặt mình, hết cả thở. Món thứ 5: cột tay chân, phủ khăn ướt lên mặt, rót nước thêm từ từ, không thở được. Không phải trấn nước như sau này. Lúc đó là kiểu trấn nước trên khô.

Sau này tôi còn vào bót Catinat một lần nữa, vào năm 1940 sau Nam kỳ khởi nghĩa. Nhưng chuyện đó kể sau”.Khi được ra tù vào cuối năm 1931, cậu thiếu niên Hoàng Đạo trên đường ra khỏi nhà tù Khám Lớn thấy giặc đang lau dầu cái máy chém. “Tôi còn thấy xà lim có tên ông Phạm Hùng lúc đó mới là người nông dân bắn tên hương quản, bị án tử hình chứ chưa làm to như sau này”.

Sáng hôm sau, Hoàng Đạo trở lại để chứng kiến anh Lý Tự Trọng còn gọi là anh Huy bị hành hình công khai trước Khám Lớn. Người đến xem đông lắm, đứng ở phía ngã tư nhìn lại “Tôi thấy nó đưa ông Trọng ra máy chém. Ông người đậm không cao. Mặt vuông, chữ điền, Nghệ Tĩnh mà. Ông còn giơ tay vẫy đồng bào - Sau khi lưỡi dao tàn bạo rớt xuống lính bắt đầu xua mọi người đi, vòi rồng rửa máy - Trong khám, tiếng tù nhân la đả đảo khủng bố - Mãi sáu, bảy giờ sáng còn la. Ông Hoàng Đạo đau lòng nhớ lại, cái ngày 1-5 khi Lý Tự Trọng bắn tên Lơ-giăng trong buổi diễn thuyết thì lúc đó ông cũng ở một nhà sửa xe hơi và đi dự lễ 1-5 rạp Chợ Đuổi (nay là một câu lạc bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai). Cậu thanh niên Hoàng Đạo lúc đó tham gia tự vệ đỏ, làm nhiệm vụ đạp công tơ điện khi có địch tới giải tán khủng bố!

Bấy giờ thì Lý Tự Trọng đã hy sinh oanh liệt… Đó là cái thời những con người băng mình tới lý tưởng, không nghĩ nhiều tới bắt bớ tù đày…

Bót Catinat, Khám Lớn… dấu vết tội ác thực dân từ trước năm 1945 cần phải được giữ gìn, vì hầu như không còn nữa.

“Đấy là tôi chưa nói đến những địa chỉ đen đã mất hẳn. Vào những năm Nam kỳ khởi nghĩa bị đàn áp năm 1940, tôi cũng là một trong số người “khánh thành” những chiếc sà lan giam tù đặt ở bến Bạch Đằng, nơi làm chợ hoa Tết bữa trước. Tôi nhớ bốn cái sà lan dầu lót ván. Chúng tôi còn đang nhìn nhìn thì đã té cái ầm: nó đẩy ào xuống, không thấy đau vì mọi người ngã chồng lên nhau. Có khi mặt thở vào mặt, phát hiện ra người đã chết thì phải ráng quay đi phía khác mà thở. Lính thủy Tây đứng gác, đến bữa làm sao có chỗ ăn. Chúng đổ bừa cơm xuống. Tù nhân bò lết, nhặt cơm cho vào mồm. Nó tưới cả thức ăn đầy đầu. Một sà lan có tới cả ngàn người. Chính ở đó tôi đã thấy những người tù bị xâu dây thép vào tay. Không phải xâu vào giữa lòng bàn tay như có người đã hình dung lầm, sau này vẽ cả trên áp phích - Chúng dùng dây thép xỏ vào mảng da mềm ở giữa ngón cái và ngón trỏ thay cho còng số 8. Có những đôi tù bị buộc xâu tay như vậy, đồng lòng giật đứt để chạy trốn, vẫn bị bắt”.

“Sau này ông có tới thăm lại nơi đó không?” Có. Tôi vào bót Catinat ngay sau giải phóng. Những khu xà lim đã bị phá. Nhưng phía trước còn nguyên. Khám Lớn thì không còn. Chẳng ai có thể hình dung ra nơi nhà tù đầy, xưa kia kinh khủng như thế nào. Ở giữa sân có một lầu để đánh trống. Dứt tiếng trống, mỗi góc trại có lính Tây la lên một tiếng. Dứt tiếng la góc này thì góc kia la tiếp - Hết bốn góc là xong, cứ 15 phút lại một tiếng trống thình thình, lính lại la tiếp - Tiếng la của lính như một thứ cầm canh, như một thứ nhắc nhở người tù về sự hiện diện của chúng. Hồi đó khi mới bị dẫn vào, tôi không ngờ bên trong Khám Lớn cũng có những chỗ đẹp đẽ như thế này: ngoài cái lầu đánh trống, có vườn hoa, bể nước - nó hình thành như khu vực hành chính của một kỹ nghệ đàn áp, vẫn đẹp đẽ tỉnh khô trước sự hoảng sợ đau đớn của người tù. Chính điều đó khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy vườn hoa ở chốn này.

Tôi nhớ hình như Khám Lớn hồi đó cũng ở vị trí ô vuông hai mặt phố, có hàng rào giống như Hỏa Lò. Số nhà của nó là 69 hoặc 96 gì đó, tôi chỉ nhớ là có hai con số ngược nhau. Có một hàng me khiến tôi bật nhớ ngay câu thơ của Tố Hữu: “Đứng hàng me nhìn ra cửa khám, thấy dẫn ra một đám tù nhân…”. Thường là bị đánh khi ở bót Catinat, còn khi sang tới Khám Lớn là nơi phúc tra, thì không bị đánh nữa. Khám nữ ở đầu gác. Hồi đó có người bảo: nhìn cái ót con Đầy, con Nguyệt kìa. Đẹp vậy ở tù uổng. Nay thì bà đã hơn 80 tuổi rồi. Hồi đó giam chung đông lắm. Bà Nguyễn Thị Nguyệt bị bắt trong một tổ chức thanh niên cùng với cụ Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng tại đường Bạc-bi-ê. Bây giờ lâu lâu lại một ông tới nhờ chứng nhận để làm giấy tờ. Có anh Quản Trọng Hoàng còn nhớ chuyện cũ. Ông Hoàng hỏi tôi có nhớ hồi nào mình đặt tên mấy con chó là chó Nịnh, chó Dóc không? Hễ thấy bọn hội tề đi ngang qua mấy anh em giả vờ gọi chó: lại đây, ê con nịnh! Năm nay kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh tôi mừng vì chúng ta lục tìm trở lại bao nhiêu địa chỉ đỏ. Phải, nơi cơ quan in ấn, nơi các bà mẹ nuôi giấu cán bộ là địa chỉ đỏ. Nhưng Sài Gòn 300 năm cần nhắc lại cả những địa chỉ đen như Catinat, Khám Lớn Sài Gòn. Nên phục hồi một góc di tích của Catinat vì có thể làm được. Còn Khám Lớn thì đã bị xóa đi hoàn toàn rồi”.

Ông Hoàng Đạo trầm ngâm một lúc rồi bày tỏ: Nam kỳ khởi nghĩa, có ý nghĩa lớn vì chứng tỏ cuộc cách mạng của người nông dân do Đảng lãnh đạo đã ngoài dự kiến của Pháp. Đến nỗi không dự kiến nổi đủ nhà tù để giam, mới có vụ sà lan dầu. Người ta nói hàng ngàn người bị xâu tay ném xuống biển, nhưng mắt tôi thì thấy khi bốn sà lan đều chật, đàn ông thì bị đưa đi giam ở mấy cái kho bên Xóm Chiếu - đàn bà đưa sang giam ở Phú Mỹ - Thời kỳ đó ai cũng nhớ có một căn bệnh khủng khiếp: các đầu ngón tay bị tái nhợt, rồi rút cả thịt trơ xương - Những buổi sáng bọn giặc rửa sàn, nước chảy đỏ cả mương. Vợ con người tù ở bên ngoài nhìn dòng mương mà khóc: ở dòng nước đỏ ấy có máu thịt của thân nhân họ. Nam kỳ khởi nghĩa còn bộc lộ rõ một điều: Sau cả thế kỷ đến Việt Nam, tổ chức bộ máy thống trị hoàn chỉnh mà người Pháp vẫn không tưởng tượng nổi khi người nông dân được Đảng Cộng sản lãnh đạo lại có thể thành một lực lượng như vậy. Đến còng cũng không đủ, phải dùng dây thép xỏ tay. Khám cũng không đủ phải làm tầng gỗ và lấy sà lan chở dầu về giam người. Lính cũng thiếu. Người Pháp không dự tính được công cụ để đối phó với phong trào nông dân. (Còn tiếp)

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên