Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy…

Cập nhật: 23-04-2021 | 08:01:21

 Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, những năm qua, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở và các ban, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã xây dựng nhiều mô hình học và làm theo Bác thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhiều mô hình sau thời gian thực hiện đã mang lại kết quả tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

 Gần dân, hiểu dân để giải quyết công việc giúp dân là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 05. Trong ảnh: Đoàn cán bộ tỉnh và huyện thăm, tặng quà gia đình chính sách ở xã Minh Thạnh

 Chuyển biến rõ nét

Thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về nhân rộng mô hình “Làm theo Bác” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cuối năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng thống nhất chọn mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm” để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn. Sau hơn một năm triển khai, mô hình nhanh chóng phát huy hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của người dân. Để thực hiện mô hình, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn 3 đơn vị gồm Đảng ủy xã An Lập, Đảng ủy Trung tâm Y tế và Chi bộ Tòa án để thí điểm tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, ở Đảng ủy xã An Lập, hàng tháng các thành viên cấp ủy thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến ít nhất 1 hộ gia đình trên một ấp được phân công phụ trách hoặc nơi cư trú. Mỗi cán bộ lãnh đạo khi đến tiếp xúc với dân đều phải trang bị một cuốn nhật ký đi cơ sở để ghi chép cẩn thận các nội dung người dân phản ánh. Các hộ gia đình chính sách, có công cách mạng, cán bộ hưu trí, đảng viên 40 năm tuổi Đảng trở lên, gia đình tôn giáo tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc và trên địa bàn dân cư, hộ nghèo, cận nghèo... là những địa chỉ được quan tâm trước trong những cuộc tiếp xúc giữa người dân và lãnh đạo địa phương. Đến nay, 100% thành viên cấp ủy đã gặp gỡ, tiếp xúc trên 60 hộ dân trong xã.

Bà Trương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã An Lập, cho biết qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua các buổi tiếp xúc với người dân, cán bộ đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị. Những ý kiến nào trả lời trực tiếp được cho người dân thì trả lời ngay tại buổi tiếp xúc những ý kiến còn lại sẽ tổng hợp để chuyển đến các đơn vị liên quan xử lý, giải quyết kịp thời cho người dân. “Thông qua mô hình này, cán bộ lãnh đạo trực tiếp gặp gỡ bà con nên rất thuận lợi trong việc ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng để qua đó giải quyết nhanh chóng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã rất đồng tình với việc thực hiện mô hình này…”, bà Trang tâm sự.

Với Trung tâm Y tế huyện, thời gian qua đơn vị đã gắn mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm” với mô hình “Nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh” và kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của ngành y tế. Việc nâng cao năng lực khám và điều trị bệnh, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh được trung tâm đặt lên hàng đầu và xem mô hình này là kim chỉ nam để thực hiện nhiệm vụ. Mô hình được triển khai đã tạo sự chuyển biến tốt về thực hiện y đức trong giao tiếp, ứng xử đối với người bệnh cũng như đối với bệnh nhân. Không những ứng xử hòa nhã, thân thiện mà người bệnh còn được giải thích và giúp đỡ tận tình chu đáo hơn. Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng các hộp thư góp ý, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của khách hàng, người bệnh.

Còn tại Tòa án Nhân dân huyện, sau khi triển khai mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy công tâm”, các đảng viên, đội ngũ thẩm phán, thư ký, công chức đã có chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua công tác, từng thẩm phán, thư ký, công chức nói riêng cũng như tập thể Chi bộTòa án Nhân dân nói chung đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao, góp phần thể hiện tính công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Đánh giá về những kết quả sau hơn 1 năm thực hiện mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy công tâm”, ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Điều này đã tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao hơn nữa về tinh thần trách nhiệm với công việc, giải quyết đề xuất, kiến nghị của nhân dân; nói đi đôi với làm, làm việc công tâm, khách quan, ngay thẳng, đặt lợi ích của tập thể, địa phương lên trên hết; tinh thần, thái độ hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân của cán bộ lãnh đạo, đảng viên từ huyện đến cơ sở.

Trong quá trình gặp gỡ, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo địa phương cũng được nhân dân đóng góp ý kiến trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân. Đồng thời, đây cũng chính là dịp để lãnh đạo các cấp tiếp nhận được nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng thiết thực của nhân dân, từ đó giúp cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đề ra được những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát với tình hình thực tế của địa phương, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; từ đó bước đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm cũng như hạn chế và nguyên nhân trong thực hiện mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm”, Ban Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng quyết định tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình trên địa bàn. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân kế hoạch về nhân rộng mô hình “Làm theo Bác”; đồng thời phát huy vai trò nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong thực hiện mô hình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy viên sắp xếp thời gian tham gia thực hiện đầy đủ, có hiệu quả mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm”.

 Qua 5 năm thực hiện mô hình “Gần dân, sát dân”, “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm” huyện Dầu Tiếng đã có trên 3.000 lượt cán bộ lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đến gặp gỡ, thăm hỏi trên 2.000 lượt hộ dân; đã tiếp nhận 1.894 ý kiến và đã trả lời làm rõ tại chỗ 1.684 ý kiến của người dân. Còn lại 210 ý kiến chuyển đến cấp huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện xem xét giải quyết thấu đáo các vấn đề kiến nghị chính đáng của người dân.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên