Giáo dục - đào tạo: Đồng hành với tiến trình phát triển

Cập nhật: 28-04-2017 | 10:05:29

Sau 42 năm ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương.

Trường lớp phát triển

Bao nhiêu năm gắn bó với ngành GD-ĐT, ông Trần Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã chứng kiến những đổi thay của sự nghiệp GD-ĐT Bình Dương. Trường lớp hôm nay đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn trước về quy mô và số lượng. Nhiều trường đã được lầu hóa, đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Cụ thể, có 217/354 trường ở các cấp đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 61,3%. Toàn tỉnh đã xây dựng được 238/362 trường và đơn vị công lập có lầu, đạt tỷ lệ 65,75%.

 Trường tiểu học Tân Hiệp (TX.Tân Uyên) đã đạt chuẩn quốc gia

Cùng với sự phát triển mạng lưới trường lớp, 100% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 90/91 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học theo tiêu chí của tỉnh, chiếm tỷ lệ 98,9%. Công tác xã hội hóa luôn được ngành, địa phương quan tâm. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đầu tư thiết bị dạy học thông minh, tiên tiến cho các đơn vị trường học; chỉ đạo kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục lĩnh vực giáo dục mầm non, thí điểm thể dục thể thao phòng - chống đuối nước trong các cấp học…

Đáp ứng nhu cầu học tập

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết những năm qua, Bình Dương thu hút nhiều lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống, do đó, tỷ lệ tăng dân số cơ học phát triển nhanh, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, số lượng học sinh (HS) hàng năm tăng cao. Trước tình hình đó, ngành GD-ĐT và địa phương đã nỗ lực, quan tâm phát triển trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh; trang bị đầy đủ các trang thiết bị để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tính đến cuối năm học 2015-2016, ngành GD-ĐT Bình Dương có 556 trường học, gồm 354 trường công lập và 202 trường ngoài công lập; huy động được 357.910 HS, gồm 286.715 HS công lập và 71.195 HS ngoài công lập. Bên cạnh đó, còn có 435 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.

Xây dựng xã hội học tập, Bình Dương tạo mọi điều kiện cho nhân dân học tập theo nguyện vọng, nhu cầu. Hệ thống trường chuyên nghiệp, đại học trên địa bàn phát triển mạnh mẽ gồm 18 trường, trong đó có: 8 trường đại học, 1 trường cao đẳng và 9 trường trung cấp chuyên nghiệp. Ngoài ra, có 56 trung tâm ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa và 12 chi nhánh được quyết định thành lập, hoạt động. Có thể nói, trường lớp mở ra đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân ở tất cả các cấp học, bậc học.

Đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà giáo, mặt bằng chất lượng giáo dục cũng đi vào ổn định và nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ HS tốt nghiệp, đậu đại học ngày càng cao, số HS đạt giải HS giỏi quốc gia đã tăng lên, đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của xã hội.

Đào tạo nguồn lực chất lượng cao

Ngoài việc cung cấp cho HS những kiến thức văn hóa, ngành còn trang bị cho các em ngoại ngữ và những kỹ năng khác, gắn học lý thuyết với thực hành thực tế, để HS tăng tính tự chủ, năng động ngay khi còn học phổ thông. Bình Dương tiếp tục phát triển trường THPT Chuyên Hùng Vương, xây dựng trường THPT chất lượng cao Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), xây dựng trường THCS tạo nguồn. Đây là những trường đào tạo mũi nhọn cho giáo dục để sau này là nguồn lực của tỉnh, góp sức vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Các trường như ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Việt Đức… cũng là những địa chỉ đào tạo quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp của tỉnh và cả nước.

Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm, hiện Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 14-3-2017 về việc phê duyệt Đề án “Bảo đảm nguồn nhân lực ngành GD-ĐT giai đoạn 2016-2020” và đang triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt.

 “Đến nay, chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ HS khá giỏi tăng, tỷ lệ HS yếu kém năm học sau giảm so với năm học trước. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT được giữ vững. Việc tổ chức, tham gia, thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hội thi, hội khỏe, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao... đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần tác động tích cực đến quá trình giảng dạy, học tập và công tác giáo dục toàn diện cho HS”.

(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

A.SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X