Hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng

Cập nhật: 22-11-2018 | 07:46:01

Huyện Dầu Tiếng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Thời gian qua, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả từ lợi thế này.

Chuyển mình mạnh mẽ

Huyện Dầu Tiếng có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó chăn nuôi và thủy sản chiếm những tỷ trọng khá lớn trong toàn ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Đặc biệt, toàn huyện có 53.200 ha cao su, chiếm 43,4% diện tích cao su toàn tỉnh.

 Mô hình trồng hoa lan của ông Mai Quốc Thái, xã Minh Hòa cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: KHÁNH VINH

Thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Dầu Tiếng, UBND huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Thực hiện đề án này, UBND huyện đã hoàn chỉnh quy hoạch, cơ chế, chính sách làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, huyện Dầu Tiếng khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiện toàn huyện có 580 ha cây ăn quả, tăng 202 ha so với năm 2013. Các loại cây ăn quả chủ yếu trên địa bàn huyện là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Huyện cũng đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa và Minh Thạnh.

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn huyện có 102 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số diện tích này, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I thực hiện Dự án đầu tư trồng chuối cấy mô tại xã Thanh An với diện tích 95 ha, phần diện tích còn lại do người dân thực hiện.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng kịp thời, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Dầu Tiếng nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn đã diễn ra hết sức mạnh mẽ, nhiều mô hình quy mô trang trại ra đời bước đầu đem lại hiệu quả rất khả quan. Các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế cao có thể kể đến như trang trại trồng lan của ông Mai Quốc Thái (xã Minh Hòa), trang trại trồng nấm Minh Khải (xã Minh Thạnh), mô hình cây kiểng của ông Võ Văn Quang (xã Thanh Tuyền)... Các mô hình này cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Có thể thấy, ngành chăn nuôi của huyện Dầu Tiếng đã được củng cố và phát triển theo hướng an toàn, bền vững, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Toàn huyện hiện có 212 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ước tổng đàn gia súc trên 115.870 con, đàn gia cầm 2 tỷ 590 triệu con.

Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã giúp thay đổi tư duy của người dân huyện Dầu Tiếng về nhu cầu và đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đóng góp vào kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Hội Nông dân huyện. Cụ thể là thời gian qua, hội đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật bón phân, sử dụng nông dược, phòng chống dịch bệnh… cùng nhiều đợt tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ở các địa phương bạn cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trong toàn huyện. Từ đó, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, nhiều nông dân trong huyện đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã được học vào sản xuất, kết quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá hơn trước đây.

Ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng đang khởi sắc. Hy vọng, từ những bước thành công nói trên các mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu tiếp tục được nhân rộng ra toàn huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 Hiện toàn huyện Dầu Tiếng có 580 ha cây ăn quả, tăng 202 ha so với năm 2013. Các loại cây ăn quả chủ yếu trên địa bàn huyện là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh. Huyện cũng đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thực hiện mô hình thâm canh cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Minh Hòa và Minh Thạnh.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên