Ngành Giáo dục - Đào tạo: Nhà giáo nữ có điều kiện phát huy năng lực

Cập nhật: 17-08-2019 | 16:45:44

Trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh luôn chú trọng đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ (BĐG-VSTBPN), phấn đấu hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội BĐG theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Các nhà giáo ngành GD-ĐT huyện Phú Giáo tham gia thi nấu ăn nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)

Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm học, ban VSTBPN ngành cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước và của ngành về BĐG và các nội dung có liên quan đến công tác VSTBPN. Tạo cơ hội cho chị em nữ phát huy năng lực, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục bảo đảm tỷ lệ nữ trong công tác quy hoạch cán bộ kế cận; tham gia vào các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp; đào tạo, bồi dưỡng; kết nạp Đảng…

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban VSTBPN ngành nhìn nhận, một trong những mục tiêu của ngành là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các đơn vị quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Ngành luôn tạo điều kiện để chị em phát huy vai trò của người phụ nữ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với các phẩm chất đạo đức “Tự trọng- Tự tin - Trung hậu - Đảm đang”, xây dựng gia đình nhà giáo “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Có thể nói, bất cứ hoạt động nào của ngành GD-ĐT cũng đều quan tâm đến chị em nữ. Trong công tác tuyển dụng viên chức ngành mỗi năm học, ngành luôn bảo đảm không có sự phân biệt về giới. Chính vì vậy, nữ trong ngành GD-ĐT chiếm tỷ lệ cao, với trên 78% là nữ. Và theo ghi nhận của chúng tôi, trong đội ngũ lãnh đạo ở các đơn vị giáo dục như trưởng phó phòng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường học các cấp... vị trí nào cũng có sự tham gia của chị em nữ. Cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Công đoàn trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), chia sẻ: “Ở trường chúng tôi, từ chi bộ đến ban giám hiệu và công đoàn đều có nữ tham gia. Các nữ nhà giáo được tạo điều kiện để phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ cùng xây dựng trường ngày càng phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững”.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng vậy, các đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện để nữ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm không có sự phân biệt về giới. Chỉ riêng năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT đã cử 4.795 nhà giáo tham gia các lớp, các khóa, các trình độ đào tạo, bồi dưỡng, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 80,27%. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy trong đội ngũ giáo viên, hàng năm ngành thực hiện công tác thuyên chuyển, điều chuyển giáo viên giữa các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh và luôn chú ý đến hoàn cảnh của nữ giáo viên, quan tâm, tạo điều kiện bố trí để nữ giáo viên yên tâm công tác và hoàn thành tốt công việc trong gia đình.

“Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành và bước đầu tuyên truyền trong học sinh. Trong kế hoạch hoạt động mỗi năm học, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức quán triệt, phổ biến, giáo dục pháp luật các nội dung về công tác BĐG, VSTBPN và các nội dung có liên quan đến công tác phụ nữ”.
(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban VSTBPN ngành)

HỒNG THÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X