Nghệ sĩ Phạm Ngọc Phú: Nặng lòng với âm nhạc dân tộc

Cập nhật: 07-12-2015 | 10:02:11
Gần 40 năm gắn bó với ngành văn hóa thông tin (VHTT), nghệ sĩ (NS) Phạm Ngọc Phú luôn dành cho âm nhạc dân tộc (ANDT) một tình yêu đặc biệt. Đến bây giờ, ông vẫn miệt mài, say mê nghiên cứu và sáng tác những bản nhạc về ANDT như thể nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của ông vậy…
 NS Phạm Ngọc Phú (thứ hai bên trái qua) trong một buổi giao lưu đờn ca tài tử với các CLB bạn

Bén duyên với ngành VHTT

Về Dĩ An, nhắc đến lĩnh vực ANDT, có một NS nhiều người biết đó là NS Phạm Ngọc Phú. Nhiều người biết là bởi, ông từng gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng của địa phương từ những ngày mới giải phóng; đã và đang sáng tác rất nhiều bài ca phục vụ phong trào văn nghệ tại địa phương. Không những thế, ông còn là một trong những thành viên tích cực trong Câu lạc bộ(CLB) ANDT Dĩ An cũng như trong phong trào đờn ca tài tử của thị xã và của tỉnh.

NS Phạm Ngọc Phú cho biết, ông đến với ngành VHTT như có“duyên nợ” từ trước. Đất nước giải phóng, ông nghỉ học (lúc đó ông là sinh viên Đại học Luật khoa Sài Gòn) và được các cán bộ cách mạng dẫn dắt, vận động tham gia công tác trong ngành VHTT tại địa phương. Là người có khiếu ăn nói, khi đến với ngành này ông đảm nhận khá nhiều công việc, từ cán bộ biên tập truyền thanh, đến thông tin lưu động, văn nghệ, bảo tồn bảo tàng, văn phòng... Càng gắn bó với ngành VHTT, ông càng thấy yêu cái ngành này hơn. Đến năm 1977, ông được cử đi học lớp cán bộ biên tập và phóng viên báo chí. Năm 1979, ông tiếp tục được cử đi học lớp đạo diễn sân khấu. Học xong, ông lại quay về phục vụ trong ngành VHTT.

Đam mê âm nhạc dân tộc

Chính trong thời gian công tác trong ngành VHTT, ông có dịp cùng đội văn nghệ quần chúng địa phương đi diễn phục vụ nhân dân nhiều nơi. Vừa đi diễn ông vừa tập tành sáng tác. Năm 1976, sáng tác đầu tay “Tình đất tình người” của ông ra đời, đã để lại dấu ấn khó phai. Không chỉ được dàn dựng, biểu diễn ngay, sáng tác này của ông còn được đăng trên báo Sông Bé lúc bấy giờ. Ông nói: “Đó là niềm động viên, khích lệ mình rất nhiều trong sáng tác. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, những lúc rảnh rỗi mình đều dành thời gian để sáng tác…”. Cũng trong thời gian này, ông đã quen với NS Cao Thị Thắng (vợ ông sau này). NS Phạm Ngọc Phú nhớ lại: “Chính giọng ca và niềm đam mê ca cổ của NS Cao Thị Thắng đã ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Khi quen nhau, NS Cao Thị Thắng luôn động viên mình tìm hiểu về ANDT. Càng đi sâu tìm hiểu, mình càng yêu bộ môn nghệ thuật này hơn…”.

Những năm sau đó, ông tiếp tục theo đội văn nghệ của huyện đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, từ biểu diễn cho bà con trong huyện, đến chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Ở chiến trường Tây Nam, ông cùng đồng nghiệp ngày tham gia đào chiến hào, đêm biểu diễn văn nghệ phục vụ, động viên tinh thần quân dân nơi vùng biên giới. Sau đó, ông cùng đội văn nghệ địa phương tiếp tục có những đợt biểu diễn phục vụ bộ đội Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Campuchia và phục vụ nhân dân nước bạn…

Một niềm đam mê

Không đi theo nghề ca hát như vợ, NS Phạm Ngọc Phú thể hiện tất cả tình yêu ANDT, tình yêu ca cổ của mình bằng việc sáng tác. Ông đã sáng tác nhiều bài ca, kịch bản tuyên truyền về phong trào xây dựng kinh tế mới của tỉnh; tuyên truyền cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp. Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, ông cũng sáng tác tuyên truyền về chính sách đổi mới, phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị của tỉnh nhà và địa phương... NS Phạm Ngọc Phú nói rằng, điều may mắn là ông từng được tiếp xúc với nhiều NS bậc thầy tên tuổi như Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê... Thêm vào đó, ông còn là chồng của NS Cao Thị Thắng, nên ngoài vợ mình, ông có dịp tiếp xúc với nhiều NS bạn bè của vợ.

Từ năm 1993 đến nay, NS Phạm Ngọc Phú chuyên sâu về sáng tác, nghiên cứu đờn ca tài tử nhiều hơn. Ngoài thời gian công tác trong ngành VHTT địa phương, ông và vợ đều đặn có mặt trong các buổi sinh hoạt CLB ANDT Thuận An cũng như CLB ANDT Dĩ An. Chính thức nghỉ hưu từ năm 2011, nhưng ông vẫn đều đặn sáng tác, tích cực tham gia sinh hoạt ANDT, dàn dựng chương trình, làm giám khảo các cuộc thi... Hiện nay, NS Phạm Ngọc Phú là Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Trong ngôi nhà nhỏ của ông, ngoài những dụng cụ âm nhạc mà ông dày công sưu tầm, những bài ca, kịch bản ông sáng tác, “gia tài” tinh thần của ông còn chứa đựng rất nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen mà ông đã đạt được. Đó chính là sự ghi nhận của các cấp, ngành đối với sự cống hiến của ông trong suốt 40 năm qua. Riêng năm 2015, ông đã được UBND tỉnh tặng bằng khen về đợt sáng tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng trong năm nay, kịch bản tuyên truyền cổ động chào mừng Đại hội Đảng các cấp của ông đã được dàn dựng, biểu diễn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ của thị xã, của tỉnh và có 3 lần đoạt giải nhất cấp thị, 2 lần giải nhất cấp tỉnh.

Sự đóng góp của ông trong suốt thời gian qua đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 15-11- 2015, ông là một trong 12 nghệ nhân của tỉnh Bình Dương được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN và 2534/QĐ- CTN của Chủ tịch nước về việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Với ông, “cuộc chơi” âm nhạc vẫn không ngừng lại, mà ngày càng đi sâu hơn vào việc tìm hiểu, nghiên cứu. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói: “Điều mà mình tâm đắc nhất là nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình quá hay, quá phong phú và quá độc đáo. Đó chính là kho tàng văn hóa mà chưa ai có thể khẳng định đã hiểu hết tất cả. Do đó, mình còn phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn nữa. Đó cũng chính là niềm đam mê mà mình luôn theo đuổi…”.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên