Nhiều đột phá trong phát triển công nghiệp

Cập nhật: 25-12-2019 | 01:27:30

Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư và hỗ trợ của tỉnh, cùng sự năng động của lãnh đạo, các cấp, các ngành ở địa phương, những năm qua kinh tế huyện Bàu Bàng đã phát triển mạnh mẽ. Nổi bật, nhiều khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn đi vào hoạt động đã mở ra những cơ hội mới cho địa phương bứt phá.

 Năm 2019, công nghiệp huyện Bàu Bàng tiếp tục tăng trưởng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May mặc Atago Việt Nam (KCN Bàu Bàng) Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Duy trì đà tăng trưởng cao

Nằm cửa ngõ phía bắc của tỉnh, tiếp giáp với huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, dọc tuyến đường huyết mạch quốc lộ 13... huyện Bàu Bàng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp.

Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện diễn ra nhanh đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn. Ông Kazunori Uetsuji, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc Atago Việt Nam, cho biết trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Atago (Nhật Bản) đã khảo sát một số KCN trên cả nước. Cuối cùng, KCN Bàu Bàng của tỉnh Bình Dương đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của tập đoàn để triển khai dự án.

Theo lãnh đạo UBND huyện, trong năm 2019 địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành các ngành, xã, thị trấn trong huyện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc triển khai thực hiện 4 chương trình hành động của Tỉnh ủy và 7 chương trình đột phá của Huyện ủy. Kết quả, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, thực hiện vượt 12/21 chỉ tiêu và đạt 9/21 chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Đặc biệt, chỉ tiêu phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thu mới ngân sách đều thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó riêng giátrịsản xuất công nghiệp đạt trên 17.000 tỷđồng, tăng 23% so với năm 2018.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp ổn định, bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện đã phối hợp, hỗ trợ Tổng Công ty Becamex IDC tiếp tục đầu tư xây dựng KCN Bàu Bàng mở rộng với diện tích 1.000 ha trên địa bàn thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II của huyện và xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng; nâng quy mô diện tích của KCN - Đô thị Bàu Bàng lên trên 3.200 ha.

Huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mở rộng các KCN Cây Trường, KCN Lai Hưng... Khi các KCN này đi vào hoạt động, diện tích đất công nghiệp trên địa bàn sẽ đạt 3.342 ha.

 Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp

Thời gian qua, các KCN trên địa bàn huyện là điểm nhấn tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp - đô thị và dịch vụ theo quy hoạch, tới đây huyện sẽ tập trung xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với các vùng trong khu vực. Trọng tâm hệ thống giao thông của huyện là quốc lộ 13, đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ và liên hoàn giữa khu đô thị, khu thương mại - dịch vụ, du lịch, khu dân cư…

Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện, cho biết thời gian tới địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo của tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN hiện có. Bên cạnh đó, huyện hoàn thành công tác bồi thường, giải tỏa để triển khai thực hiện đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000 ha (trong đó phần ở huyện là 892,2 ha). Cùng với đó, huyện tích cực thực hiện bồi thường, giải tỏa các dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, KCN Cây Trường, KCN Lai Hưng…

Với mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghiệp phụ trợ có hàm lượng kỹ thuật cao, huyện đã và đang ưu tiên những dự án có nguồn vốn, quy mô lớn vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch của tỉnh và địa phương, hạn chế phát triển công nghiệp bên ngoài khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, huyện tiếp tục cải tiến quy trình giải quyết thủ tục liên quan đến thỏa thuận đầu tư nhằm thu hút thêm các ngành nghề theo định hướng phát triển.

Huyện chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, không thu hút thêm các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông và các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, huyện khuyến khích các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp địa phương; các dự án đầu tư công nghệ mới, đầu tư mới vào KCN hiện có trên địa bàn.

Có thể thấy, công nghiệp phát triển huyện nhà phát triển đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế lớn và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương và ngoài tỉnh. Với thành quả đã đạt được cùng sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, tin tưởng rằng trong những năm tới ngành công nghiệp của huyện sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

 Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc của tỉnh, huyện đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Theo quy hoạch, huyện sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại và dịch vụ - nông nghiệp; trong đó công nghiệp là chủ đạo, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, đô thị và nông nghiệp. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch theo hướng tỷ trọng giảm dần trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng tăng dần giá trị gia tăng.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên