Phân luồng học sinh THCS vào trường nghề: Vẫn lắm gian nan

Cập nhật: 24-10-2014 | 08:28:36

Chương trình hướng nghiệp, dạy nghề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa vào chương trình của bậc trung học cơ sở (THCS) nhằm định hướng, phân luồng học sinh (HS). Thế nhưng, thời gian qua, việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS ở Bình Dương vẫn gặp không ít khó khăn.

 Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương tư vấn chọn nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THPT Ảnh: A.SÁNG

Còn hạn chế

Chủ trương “phân luồng” HS sau THCS là hoàn toàn đúng, cần khuyến khích HS học nghề hoặc học TCCN thay vì đổ xô theo học cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) mà trình độ học tập lại hạn chế. Với việc phân luồng HS, ngành giáo dục vẫn đang tích cực thực hiện và đi đúng hướng. Tuy nhiên, do tâm lý của một số phụ huynh và HS còn ngần ngại nên trường TCCN và trường nghề chưa thu hút HS. Để giải quyết những trường hợp như vậy, các trung tâm giáo dục thường xuyên tiếp tục nhận các em vào học khiến việc phân luồng HS THCS lại gặp không ít khó khăn hơn.

Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, công tác tư vấn và hướng nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hoạt động chuyên sâu để HS nhìn nhận một cách có hệ thống, chọn lọc và không bị lệch hướng trong việc chọn nghề. Hàng năm, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, TCCN và các trường nghề trong tỉnh thực hiện nhiều hình thức và biện pháp thích hợp như tổ chức hội nghị, hội thảo, tư vấn, hướng nghiệp phân luồng HS tại các trường THCS ở các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, các trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu được giao, HS còn bỏ học nhiều. Nguyên nhân do HS tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 14 - 15 về thể lực, thể hình còn nhỏ, ở lứa tuổi này các em chưa có nhiều ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện trong quá trình học tập tại trường; nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với GDCN chưa được quan tâm đúng mức.

Đẩy mạnh phân luồng

Năm học 2013-2014, theo thống kê của Sở GD-ĐT, chỉ tiêu vào các trường TCCN tại Bình Dương là 10.050 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu HS phân luồng THCS là 2.910 chỉ tiêu. Nhưng số HS phân luồng THCS nhập học vào các trường TCCN, TC nghề chỉ có 1.024 HS, đạt tỷ lệ 35,2%. Thậm chí, có nhiều trường TCCN, ở chỉ tiêu dành cho HS phân luồng THCS đã không tuyển được HS như ĐH Bình Dương, TC Kỹ thuật Phú Giáo, TC Bách Khoa… Đây là một lãng phí về kinh phí, thời gian của gia đình và xã hội, mà nguyên nhân là do công tác phân luồng chưa hiệu quả. Rõ ràng là, đã có một số lượng không nhỏ HS đang ngồi nhầm chỗ. Thay vì ngồi 3 năm ở trường THPT trong khi khả năng, trình độ học tập hạn chế, các em cần được định hướng để theo học các trường nghề.

Những năm qua, hầu hết HS tốt nghiệp THCS đều chọn vào học THPT, rất ít HS có nguyện vọng vào học trường nghề. Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Thuận An, cho biết hầu hết HS lớp 9 của các trường đều chọn thi vào lớp 10 ở trường công lập trên địa bàn. Số HS không đậu vào trường công lập thì chọn học bổ túc THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, rất ít HS chọn học nghề.

Ông Phạm Văn Cừ, Trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp Nghề Bình Dương cho hay, lâu nay, hầu hết HS đều quan tâm chuyện thi và học ĐH. Bên cạnh đó, tâm lý “sính bằng cấp”, “thầy hơn thợ” vẫn còn nặng trong xã hội nên việc học nghề chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều phụ huynh và HS còn xem thường bậc học này, đa số muốn con em vào ĐH hơn, chính nhận thức như vậy mà chất lượng đầu vào của bậc TCCN, TC nghề hiện còn thấp và chưa đồng đều. Chúng tôi gặp khó khăn công tác hướng nghiệp cho phụ huynh và HS trong việc vào học tại các trường nghề.

Chương trình hướng nghiệp, dạy nghề cho HS THCS đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức và định hướng nghề nghiệp cho HS, đồng thời góp phần bảo đảm tính cân đối và đồng bộ trong phát triển nhân lực cho xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phân luồng này vẫn chỉ mang tính hình thức. Để đẩy mạnh công tác phân luồng, ngành giáo dục và các trường nghề cần nỗ lực hơn nữa. Ngoài việc cơ cấu lại chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp, đầu tư thỏa đáng cho các cơ sở dạy nghề ở địa phương thì công tác tư vấn hướng nghiệp cũng là một trong những giải pháp cần thiết để việc phân luồng HS bậc THCS trở nên thiết thực hơn.

 

 N.THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X