Phú Giáo: Kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn quốc gia

Cập nhật: 02-07-2018 | 09:25:23

 Xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Với huyện Phú Giáo, tuy là địa bàn nông thôn, có những khó khăn nhất định, nhưng đây là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng trường CQG của tỉnh. 

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện, chia sẻ công tác xây dựng trường CQG được ngành GD-ĐT xem là nhiệm vụ trọng tâm. Vào năm 1997, khi có chủ trương xây dựng trường CQG, phòng GD-ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện với những giải pháp có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của huyện. Xác định đội ngũ có tính quyết định trong việc xây dựng thành công trường CQG, ngành tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ các cấp học, bậc học. Theo thời gian, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của huyện có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh. Các thầy cô đa số nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tích cực, chủ động học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Trường THPT Phước Vĩnh đã đạt CQG

Về Phú Giáo hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra sự phát triển không ngừng về cơ sở vật chất trường lớp ở nơi đây. Mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học được đầu tư xây dựng lầu hóa ngày càng nhiều, phòng học kiên cố, phòng chức năng, thư viện, thiết bị đạt chuẩn ngày càng tăng. Trang thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm đáp ứng được nhu cầu dạy học, 100% trường tiểu học, THCS có phòng học thực hành, phòng học bộ môn, các phòng chức năng khác, các trường được trang bị một số bảng tương tác thông minh, máy chiếu phục vụ giảng dạy…

Một tiêu chí quan trọng để trường đạt CQG là chất lượng giáo dục. Để được công nhận đạt chuẩn, các trường đã đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy học; có nhiều mô hình và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học Phước Vĩnh A là một trong những trường sớm đạt CQG của huyện. Ông Trần Minh Bạch, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ kinh nghiệm: “Nhà trường tổ chức chuyên đề vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực vào các tiết học, giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Ban giám hiệu còn vận động, khuyến khích thầy cô nỗ lực tận tâm, tận lực tất cả vì học sinh (HS). Ngoài ra, trường còn thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, nên việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục hàng năm được tốt hơn. Kết quả, trường đã đạt CQG vào năm 2003”.

Chủ trương xây dựng trường CQG góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Là trường có thể được xem là xa nhất của huyện, nhưng bằng nỗ lực của cả tập thể, chỉ trong một thời gian trường Tiểu học An Bình B đã đạt CQG mức độ 1, sau đó đạt mức độ 3 và đến năm 2017 đạt mức độ 2. Cô Lê Thị Lan, Hiệu trưởng tỏ ra vui mừng, từ khi được công nhận trường đạt chuẩn, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao. Hàng năm, trên 99,6% HS được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học; 100% hoàn thành chương trình tiểu học. Đặc biệt là chất lượng mũi nhọn, trong các năm qua đã có 150 lượt HS đạt giải trong các cuộc thi, giao lưu HS giỏi các cấp, trong đó có 10 giải cấp tỉnh. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo cho biết thêm: “Đến nay, huyện Phú Giáo có 10/11 trường MN, 13/14 trường tiểu học, 8/8 trường THCS, 3/4 trường THPT đạt CQG. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường học trên địa bàn huyện được công nhận trường đạt CQG, đồng thời duy trì kết quả đạt được của các trường đã được công nhận đạt CQG”.

Sau 20 năm thực hiện xây dựng trường CQG, chất lượng giáo dục toàn diện, phong trào thi đua trong giáo dục trên địa bàn huyện Phú Giáo có những chuyển biến rõ nét, tích cực. Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS hàng năm ổn định và nâng dần lên; công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho HS được chú trọng; kỷ cương, nề nếp trường lớp được duy trì.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá xây dựng trường CQG không chỉ là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất mà cần phải đầu tư toàn diện cả về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng cho HS, vì vậy rất cần sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền các địa phương đồng hành cùng với ngành giáo dục để thực hiện các mục tiêu này. Do vậy, kết quả đạt được của Phú Giáo lại càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của lãnh đạo địa phương trong công tác chỉ đạo, đặc biệt sự tham mưu tích cực của lãnh đạo phòng GD-ĐT qua các thời kỳ, cũng như sự nỗ lực của ngành đối với việc xây dựng trường CQG các cấp học trong 20 năm qua.

 

H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X