Quản lý môi trường công nghiệp: Còn nhiều thách thức

Cập nhật: 15-12-2011 | 00:00:00

 Áp lực về môi trường

Con số thống kê hiện tại, mỗi ngày, Bình Dương phát thải khoảng 129.000m3 nước thải CN (trong đó, nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 49.000m3) và 883 tấn chất thải CN. Dự báo đến năm 2020, nước thải CN phát sinh khoảng 288.000m3/ngày (gấp 2,2 lần) và chất rắn công nghiệp khoảng 1.264 tấn/ngày (gấp 1,4 lần), trong đó có khoảng 169 tấn chất thải nguy hại.   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam (giữa) tham quan hệ thống quan trắc nước thải tự động góp phần kiểm soát nguồn nước thải

Trước những con số đáng quan ngại, ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đánh giá công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh giai đoạn 2005-2010 tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, thế nhưng so với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững thì vẫn còn nhiều điều đáng nói. Vấn đề đầu tiên đó là ý thức chấp hành pháp luật về MT của các cơ sở sản xuất CN được nâng lên, nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ rệt. Một số cơ sở sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà không đầu tư hệ thống xử lý hoặc xây dựng hệ thống xử lý chỉ mang tính chất đối phó, vẫn cố tình xả chất thải gây ONMT. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hiệu lực quản lý Nhà nước về BVMT chưa nghiêm; tính răn đe xử phạt các hành vi vi phạm về BVMT chưa cao; không có đầy đủ các công cụ pháp lý để chế tài, cưỡng chế việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Từ những nguyên nhân đó làm cho chất lượng MT nước mặt hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai trên địa bàn chưa được cải thiện, nhất là các nguồn nước mặt tại các hạ lưu và các kênh rạch nơi tiếp nhận nước thải CN. Tình trạng ONMT còn xảy ra ở một số khu vực có tốc độ phát triển CN và đô thị nhanh như khu vực kênh Ba Bò, suối Bưng Cù, suối Siệp, hạ lưu sông Thị Tính... Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật như thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc đầu tư hạ tầng thoát nước ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ và không theo kịp tốc độ phát triển đã làm phát sinh nhiều vấn đề MT khó giải quyết.

Tăng cường kiểm soát ONMT CN

Để phòng ngừa ONMT CN, bên cạnh công tác thẩm định dự án đầu tư, đánh giá tác động MT, việc tăng cường kiểm soát ONMT CN là nhiệm vụ thường xuyên nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về BVMT. Ông Phạm Danh, cho biết xác định được tầm quan trọng của công tác thanh, kiểm tra, thời gian qua, tỉnh đã chủ động thực hiện thanh, kiểm tra thường xuyên công tác BVMT tại các doanh nghiệp nhằm hạn chế gia tăng ONMT và suy thoái MT. Đặc biệt là thanh, kiểm tra các nguồn thải nằm ngoài các KCN. Một trong những bước tiến của công tác BVMT là đầu tư Dự án hệ thống quan trắc nước thải tự động với 21 camera quan sát tại vị trí xả nước thải sau xử lý, 21 camera quan sát hệ thống xử lý nước thải, 21 thiết bị lấy mẫu nước thải tự động và 6 trạm đo online có thể đo nhanh và liên tục các thông số COD, TSS, pH, EC và lưu lượng của nước thải. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ mở rộng quy mô, đối tượng cần phải kiểm tra, giám sát liên tục.

Quản lý MT CN còn nhiều thách thức nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng Bình Dương sẽ kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất ONMT trong CN.         

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên