Sớm thay đổi cơ chế”độc quyền”, “khép kín”!

Cập nhật: 22-11-2012 | 00:00:00

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, có một phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, đồng lòng. Đó là việc bà bộ trưởng đề nghị tới đây Bộ Y tế không tham gia quản lý giá thuốc nữa, mà nên là một cơ quan chuyên ngành khác quản lý giá độc lập và khách quan. Theo bộ trưởng, ý kiến này bà đã suy nghĩ lúc mới làm bộ trưởng, phát xuất từ khi còn làm thứ trưởng Bộ Y tế, bà đã đi tham quan, khảo sát, rút kinh nghiệm mô hình quản lý ở nhiều nước.

“Độc quyền”, “khép kín” trong kinh doanh hay tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã tồn tại nhiều năm qua tại nước ta. Thực trạng này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý lẫn bức xúc của cử tri, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa được cải thiện, thay đổi một cách có hiệu quả. Đặc biệt là đối với các mặt hàng, dịch vụ không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta như thuốc trị bệnh, điện, nước, xăng, dầu… do đó, người dân vẫn phải “cắn răng” chấp nhận đơn giá mà các bộ, ngành quản lý đưa ra, dù công bằng mà nói nó vốn còn nhiều bất hợp lý và cả “điều ong tiếng ve”. Cụ thể là từ trước đến nay không chỉ có Bộ Y tế vừa quản lý, vừa định giá thuốc mà còn có các bộ khác như Bộ Công Thương (cơ quan quản lý chất lượng xăng dầu) lại cùng với Bộ Tài chính quản lý giá và định ra giá xăng dầu; hay tình trạng độc quyền đối với ngành điện, cấp nước, đường sắt…

Chống độc quyền trong kinh doanh, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là một xu thế của sự phát triển, do đó đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đối với ngành y tế là một đề xuất tích cực, là sự mở đường đề chúng ta tiến đến chống độc quyền trong kinh doanh đối với các ngành khác. Mặc dù, để thực hiện được mong muốn này, ngành nào cũng có thể sẽ gặp phải sự không thống nhất ngay trong nội bộ của mình, nhất là sự phản ứng của các doanh nghiệp đang độc quyền “thống trị” việc kinh doanh một mặt hàng nào đó. Song, không thể vì vậy mà tách ra khỏi xu thế phát triển hiện nay, bởi có thực hiện như vậy, thì các cơ quan quản lý mới giám sát được nhau…

Nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ tình trạng độc quyền và chấm dứt việc tự ý định giá của một số bộ, theo nhiều đại biểu Quốc hội thì nên bắt đầu từ việc chuyển quyền làm luật cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, không nên để bộ nào quản lý lĩnh vực nào lại xây dựng luật cho lĩnh vực ấy… Mặt khác, việc làm này là để hướng đến mục tiêu góp phần ổn định thị trường, ích nước, lợi dân, nhất là các tầng lớp nhân dân lao động. Vấn đề là các bộ, ngành phải được hướng dẫn và định ra được lộ trình thực hiện đối với từng mặt hàng, ngành hàng, nhất là những mặt hàng quan trọng, thiết yếu để giảm bớt gánh nặng về giá cả do tình trạng độc quyền trong kinh doanh dẫn đến!

Võ Hương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên