Cho - nhận và nhân cách sống đẹp

Cập nhật: 19-11-2012 | 00:00:00

Mẩu tin ngắn “Trò xây nhà tặng thầy” trên báo Tuổi Trẻ số ra mới đây đã mang lại cho bạn đọc nhiều cảm xúc. Một bản tin ngắn nhưng lại là câu chuyện đẹp về tình thầy trò, về đạo lý “tôn sư trọng đạo”. Hai cựu sinh viên giấu tên của khoa chăn nuôi thú y trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh vừa xây tặng người thầy giáo của mình - giáo sư, nhà giáo nhân dân Dương Thanh Liêm - nguyên Hiệu trưởng nhà trường một căn nhà mới khang trang.

 Bao nhiêu năm giảng dạy và có thời gian là người lãnh đạo cao nhất của trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, người thầy ấy vẫn sống đúng như cái tên của mình. Nhiều năm rồi, ông và gia đình sống trong căn nhà ọp ẹp ở khu tập thể của trường. Có người nói ở vị trí đó mà hoàn cảnh như thế là chuyện lạ. Khối người như thầy, nhà cao cửa rộng là chuyện nhỏ. Nhưng tất cả với người thầy giáo ấy là sự thật. Bởi ông sống thanh liêm, không hề kiểu cách. Khi là Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, thầy vẫn đến trường bằng chiếc xe máy cũ nát. Có người vì thể diện, không chịu được đã gặp trực tiếp “mắng” ông: Thầy đi chiếc xe như thế là bôi bác nhà trường đó, thầy biết không?”. Nghe vậy ông chỉ phân bua nhẹ nhàng: “Tính tôi nó thế. Tôi thấy không cần thiết đi xe mới, xe xịn thôi”. Kể một chút về thầy, để thấy ở đời hiếm có người như thế.

Cũng qua lời tác giả mẩu tin ấy, mới biết để xây được ngôi nhà cho người thầy đáng kính của mình, hai cựu sinh viên ấy đã gặp phải khó khăn. Khó khăn ở đây là khó khăn trong việc thuyết phục thầy. Ban đầu, hai cựu sinh viên đã gặp sự từ chối quyết liệt. Và chỉ bằng cách thật khéo léo, họ mới thuyết phục được. Ở đời, ai cũng từng cho và nhận. Nhưng cách cho và nhận đó thật đúng nghĩa. Người nhận và người cho thể hiện nhân cách sống cao đẹp của mình.

Bao đời nay, người Việt luôn hiếu học và kính trọng, biết ơn người thầy. Người xưa nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”. Nghĩ cho tận, những lời nói ấy quá sâu sắc. Đã làm thầy, phải biết yêu thương, lo lắng dạy dỗ cho học trò nên người. Đó là trách nhiệm. Thế hệ này, tiếp nối thế hệ khác luôn được người thấy dìu dắt. Người thầy như người đưa đò là vậy. Đã làm trò thì phải biết kính trọng thầy. Đó là đạo lý. Biết ơn và kính trọng người thầy không chỉ là lời nói cửa miệng đơn thuần, sản phẩm của lý trí mà nó xuất phát từ tình cảm, tấm lòng sâu xa từ những hành động cụ thể. Truyền thống “tôn sư” cùng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được hình thành và kết tinh từ đạo làm người của người Việt Nam. Và chúng ta khẳng định rằng, truyền thống ấy, đạo lý ấy mãi mãi trường tồn!

 

 THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên