Sơn mài Bình Dương: Sức sống ở tranh mỹ thuật

Cập nhật: 04-11-2014 | 11:44:00

Nhiều người biết đến sơn mài Bình Dương là một nghề thủ công truyền thống với những bức tranh phổ thông mang tính thương mại và gần đây có phần mai một. Tuy nhiên, nhiều họa sĩ vẫn “chung thủy” với chất liệu này và họ luôn miệt mài sáng tác những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao.

Triển lãm mỹ thuật khu vực, quốc gia là “sân chơi” cho nhiều họa sĩ. Ảnh: Q.NHƯ

Bình Dương có 5 họa sĩ sơn mài là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là Nguyễn Chí Chánh, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Tấn Công, Nguyễn Quang Sơn và Lê Xuân Trường. Đây cũng là những họa sĩ gắn bó với tranh sơn mài trong nhiều năm qua. Trong bài “Nét cách tân của sơn mài truyền thống Bình Dương”, thạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Văn Quý nhận xét, trong khoảng hơn 40 năm nay, các họa sĩ Bình Dương đã nâng nghề sơn mài từ một nghề thủ công thực dụng lên mức nghệ thuật tạo hình có thể vẽ các thể loại, khuynh hướng, diễn tả tình cảm hiện thực rất phong phú, đặc sắc. Một phần nhờ vào sự đồng lòng và quyết tâm của các họa sĩ đều dùng chất liệu sơn ta xuyên suốt trong tác phẩm của mình. Tính truyền thống có trong từng đường nét, sắc màu, chất liệu đã được các thế hệ trước khai thác triệt để qua vẻ lung linh huyền ảo, ẩn chứa sâu kín dưới tầng tầng, lớp lớp chất vàng, bạc, son, trai, trứng… no đầy, óng ả, lộng lẫy. Tranh sơn mài mỹ thuật tạo nên được no về chất, đầy về lượng, sâu thẳm về không gian.

Họa sĩ Nguyễn Quang Sơn cũng cho rằng: “Sơn mài là chất liệu có tiếng nói riêng, mỗi họa sĩ phải tìm ra màu sắc phù hợp để thể hiện”. Anh có khoảng 10 năm tham gia Hội VHNT tỉnh, hiện công tác tại trường Trung cấp Mỹ thuật Văn hóa Bình Dương sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM khóa 1993-1998. Anh vẫn gắn bó với làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề truyền thống của gia đình. Tác phẩm “Thiếu nữ và hoa” của anh đoạt giải nhất Triển lãm mỹ thuật Bình Dương trước đó. Đây cũng là tác phẩm được chọn triển lãm ở miền Đông Nam bộ. Anh còn đoạt giải B (không có giải A) tại cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Hội VHNT tổ chức.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Công là người luôn dành đam mê cho tranh sơn mài. Tác phẩm Hòn Cổ Tron của anh cũng đã đoạt giải III tại Triển lãm Mỹ thuật Bình Dương (năm 2012). Hiện nay, anh vẫn duy trì xưởng và vừa đi dạy vừa vẽ tranh cho thỏa nỗi đam mê. Ngoài phong cảnh, anh còn thích vẽ tranh thiếu nữ. Anh truyền niềm đam mê tranh sơn mài cho học sinh của mình.

Với anh, tranh sơn mài trong thị trường đang đi xuống nhưng những họa sĩ yêu quý dòng tranh này vẫn giữ nguyên phong độ và miệt mài sáng tác. Anh cũng mong Hội VHNT tỉnh tổ chức nhiều trại sáng tác, những buổi giao lưu để anh em họa sĩ gặp gỡ, trao đổi cùng nhau về nghề nghiệp nhiều hơn.

Hoạt động mỹ thuật tại Bình Dương có những tiến bộ rõ rệt qua các kỳ triển lãm cấp tỉnh, khu vực và quốc gia; trong đó sơn mài tạo hình đóng góp một phần không nhỏ. Ngoài các giải thưởng đã kể trên, nhiều họa sĩ đoạt giải cao như Nguyễn Chí Chánh, giải B năm 2000 và giải A giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ 2005; Nguyễn Quang Sơn đạt giải B năm 2008, 2009 tại triển lãm khu vực VII (các tỉnh Đông Nam bộ); Nguyễn Văn Quý đoạt giải khuyến khích năm 2013, 2014 của triển lãm tranh do Hội VHNT tỉnh tổ chức.

Các họa sĩ sơn mài vẫn mong muốn củng cố, phát triển chất liệu truyền thống, sáng tạo những bức tranh có giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và góp phần gìn giữ nghệ thuật sơn mài ở Bình Dương.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên