Thành quả từ sự đồng thuận

Cập nhật: 21-09-2018 | 05:21:22

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm cho cả nhiệm kỳ. Đến nay, công tác xây dựng NTM của huyện đã đạt kết quả tốt đẹp.

Công khai, minh bạch

Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong công tác chỉ đạo điều hành xây dựng NTM, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, cùng với đó là phát huy tinh thần dân chủ; mỗi cán bộ từ huyện đến cơ sở cùng người dân rất tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM.

Huyện ủy Dầu Tiếng đã xác định xây dựng NTM theo phương châm “Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí và chính sách hướng dẫn”. Từ định hướng này, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM trên tinh thần tự nguyện. Phương châm vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM là công khai, minh bạch, có thể đóng góp nhiều đợt tùy theo khả năng của từng hộ gia đình. Nguồn vận động này chính quyền địa phương không cất giữ, không làm thay, mà giao cho cộng đồng dân cư ở các ấp trong huyện quản lý, tổ chức thi công, tự giám sát, do đó có sự đoàn kết, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng NTM tạo cú huých cho Dầu Tiếng phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc trung tâm thị trấn Dầu Tiếng hiện nay. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Thời gian gần đây, đến Dầu Tiếng, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân nói về phong trào xây dựng NTM. Điều đáng mừng là nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... trên địa bàn đều có công góp sức rất lớn của người dân. Chỉ trong 3 năm, huyện Dầu Tiếng đã vận động hàng ngàn lượt người dân đóng góp vào Chương trình xây dựng NTM bằng nhiều hình thức: Hiến đất, hoa màu, công lao động… với tổng giá trị quy thành tiền lên đến gần 300 tỷ đồng. Kết quả ấn tượng nhất của Dầu Tiếng trong thực hiện xây dựng NTM chính là hệ thống giao thông được làm bài bản, đồng bộ; các tuyến đường liên ấp, liên xã được kết nối về trung tâm thị trấn Dầu Tiếng…

Chỉ riêng về kết cấu hạ tầng giao thông, từ năm 2016 đến nay huyện Dầu Tiếng đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa 52 tuyến đường, tổng chiều dài trên 208km, cùng với đó duy tu 14 cầu bê tông cốt thép. Đến nay, cơ bản Dầu Tiếng đã không còn cầu tạm và cầu sắt. Phong trào làm mới, sửa chữa đường giao thông lan tỏa khắp các xã trong huyện, với 105 tuyến đường do các xã thực hiện. Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có trên 95% đường do huyện quản lý và đường liên xã được nhựa hóa; 100% đường do xã quản lý được cứng hóa, nhựa hóa hay bê tông hóa.

Đến nay, các công trình thủy lợi được huyện quản lý, bảo vệ tốt, bảo đảm việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ dân nông thôn trên địa bàn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%. Huyện đã xây dựng mới và nâng cấp 8 trường học, nâng số trường trong toàn huyện đến nay lên 51 trường, trong đó có 34 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 29 trường được công nhận chuẩn quốc gia. Toàn huyện hiện có 8 chợ, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân; hầu hết các xã đều có trạm bưu điện và trạm phát sóng viễn thông. Đặc biệt, huyện không còn nhà ở tạm, nhà dột nát…

Nâng cao thu nhập cho người dân

Việc huyện chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã giúp bộ mặt nông thôn huyện Dầu Tiếng khởi sắc. Riêng từ năm 2016 đến nay, kinh tế của huyện có mức tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của huyện nông nghiệp chiếm 30,2%, thương mại - dịch vụ chiếm 32,28%, công nghiệp - xây dựng 37,42%.

Những năm qua cây cao su đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp của Dầu Tiếng nhưng đang dần giảm vai trò trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Ngoài 50.000 ha cây cao su, thời gian qua, huyện đã tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao để giúp người dân cải thiện thu nhập. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 615 ha, có 500 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, 23 ha thuộc các dự án chăn nuôi theo mô hình khép kín.

Ông Danh cho biết thêm, hiện Dầu Tiếng tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả gắn liền với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền. Địa phương cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Đối với lĩnh vực trồng sinh vật cảnh, hoa, nấm, dược liệu, rau sạch, nuôi cá cảnh… trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành và phát triển ở quy mô nhỏ. Đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn trên địa bàn nên sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ - thương mại, hiện toàn huyện Dầu Tiếng có 339 công ty, doanh nghiệp và 32 cơ sở sản xuất, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.200 lao động. Để phát triển công nghiệp với quy mô lớn cho những năm tiếp theo, UBND huyện đang tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai dự án Cụm công nghiệp tại An Lập; phối hợp với các ngành chức năng triển khai dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân (diện tích 969 ha), dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 (diện tích trên 381 ha) tại xã An Lập và xã Thanh Tuyền...

Nhìn lại chặng đường nỗ lực xây dựng NTM, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng khẳng định kết quả nổi bật là kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, ổn định; công nghiệp - dịch vụ góp phần đáng kể vào việc hiện đại hóa bộ mặt nông thôn. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong toàn huyện có việc làm thường xuyên đạt 94%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 78,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 1,96%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm.

Mặc dù vậy, ông Danh cũng nhìn nhận địa bàn huyện Dầu Tiếng rộng, nhu cầu đầu tư thiết chế giao thông, văn hóa-thể thao nhiều nhưng nguồn lực huyện còn hạn chế; việc thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa, các hình thức đối tác công - tư, đổi đất lấy hạ tầng đang triển khai nhưng còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế tập thể của địa phương chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có; liên kết, hợp kết trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế; việc áp dụng khoa học -công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đạt kết quả như kỳ vọng... Tuy vậy, với truyền thống là vùng đất cao su anh dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, nhất định Dầu Tiếng sẽ vượt qua, xứng đáng với danh hiệu huyện NTM.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên