Thu hút khách đến các khu di tích: “Bài toán” khó!

Cập nhật: 23-01-2015 | 08:25:55

Bình Dương có 50 di tích (DT) được công nhận, trong đó nhiều DT lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Những địa điểm này góp phần lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của nhân dân Bình Dương. Thế nhưng, việc khai thác hiệu quả, thu hút khách đến với DT… vẫn còn là vấn đề nan giải.

Về thăm DT

Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi về các khu DT lịch sử của tỉnh để tìm hiểu lượng khách đến tham quan. Điểm đến đầu tiên Nhà tù Phú Lợi (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) là DT lịch sử cách mạng cấp quốc gia, được xếp hạng năm 1980. Nhà tù từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với đủ loại cực hình tra tấn dã man, do chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ xây dựng vào năm 1957 để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước. Đỉnh điểm tội ác của bọn đế quốc được đánh dấu bằng sự kiện đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị vào ngày 1-12-1958, sự kiện này gây chấn động khắp năm châu. Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý DT và danh thắng tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL)) nói, hiện nay, Nhà tù Phú Lợi được xây dựng thành điểm tham quan giáo dục về truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh giữ nước của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến. Riêng năm 2014, nhà tù đã đón hơn 50.000 lượt khách đến tham quan và tìm hiểu. Tuy nhiên, lượng khách đến đây vẫn chưa tương xứng với giá trị mà nơi đây đang lưu giữ.

Khách đến tham quan vườn cao su thời Pháp thuộc tại xã Định Hiệp. Ảnh: T.LÝ

Địa đạo Tam giác sắt (xã An Tây, TX.Bến Cát) đang được xây dựng, nhưng cũng có nhiều đoàn viên thanh niên, nhân dân đến tham quan mỗi ngày. Địa đạo có hàng trăm đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “Làng ngầm” kỳ diệu. Địa đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, vừa làm nơi ăn, ở, sinh hoạt và phòng tránh bom đạn an toàn cho nhân dân, vừa là nơi đóng trụ sở của lãnh đạo quân dân chiến đấu. Bạn Trần Thị Diễm Hồng, học sinh trường THPT Bến Cát, cho biết: “Đây là lần thứ 3 em đến với địa đạo. Trước đây, địa đạo có nhiều cây cối, hoang sơ nhưng nay đã được xây dựng các hạng mục. Mỗi lần đến đây em lại cảm giác mình đang chứng kiến tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân Bến Cát. Qua đó, bản thân em sẽ cố gắng học tập tốt hơn để đền đáp công ơn của cha anh đã chiến đấu, nằm xuống giành lấy độc lập”.

Rời địa đạo Tam giác sắt, đi xa về huyện Dầu Tiếng, chúng tôi đến vườn cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng). Trải qua gần 1 thế kỷ, lô cao su 50, làng 14 của Nông trường Trần Văn Lưu thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng vẫn xanh màu lá mới, dù trên thân cây vẫn còn lưu giữ những đường dao của người phu cao su từ thời Pháp thuộc. Năm 2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã xây dựng Khu trưng bày DT lịch sử vườn cao su thời Pháp thuộc. Công trình thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh công nhân trong các đồn điền cao su. Thế nhưng, do nằm sâu trong lô cao su, công trình ít người biết đến.

Để khách “tìm” đến khu DT

Lợi thế có nhiều khu DT, tiềm năng phát triển du lịch của các DT, địa danh lịch sử ở Bình Dương là không nhỏ, thế nhưng vẫn chưa khai thác hết được ưu thế. Hầu hết các khu DT rất “kén khách”, phần lớn là những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử mà chủ yếu là học sinh, sinh viên, những cựu chiến binh. Nhiều người cho rằng, các khu DT cần gắn các hiện vật trưng bày tại DT với những câu chuyện cảm động, sâu sắc, tạo sức lôi cuốn với du khách... Cô Nguyễn Thị Châu, giáo viên trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh, bộc bạch: “Tôi thường xuyên đi tham quan tại các DT lịch sử trong nước như: Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị... Tôi rất thích cách thuyết minh của hướng dẫn viên. Tại đây, họ đã kể lại nhiều câu chuyện làm xúc động mọi người. Trong khi Bình Dương có rất nhiều địa danh như khu DT Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Đ, Đình Tân Trạch, Chiến khu Vĩnh Lợi… nhưng đội ngũ hướng dẫn viên ở đây vẫn chưa thực sự “níu” được chân khách. Bên cạnh đó, các tour du lịch đến các DT lịch sử cũng chưa thấy giới thiệu rộng rãi”.

Lý giải nguyên nhân các khu DT vắng khách, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý DT và Danh thắng (Sở VH-TT&DL) cho biết, hiện nay, công tác trùng tu, tôn tạo các khu DT chưa hoàn thiện, trong khi thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa còn hạn chế. Bên cạnh đó, các DT nằm rải rác nên việc quy hoạch đưa vào các tour theo tuyến là rất khó. Việc gắn giữa tham quan các DT lịch sử với du lịch sinh thái cũng chưa phát triển đồng bộ.

Giải “bài toán” này, Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở VH-TT&DL) tỉnh đang nỗ lực liên kết mở một tour du lịch địa danh lịch sử. Ngoài ra, việc bảo tồn, tôn tạo DT bài bản, có giá trị nghệ thuật cũng được Sở VH-TT&DL quan tâm. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần, trách nhiệm đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương; đẩy mạnh công tác quảng bá rộng rãi hình ảnh, tiềm năng du lịch của Bình Dương đến đông đảo du khách. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc tại những DT, nhằm tăng tính hấp dẫn đối với khách tham quan.

Với những nỗ lực của ngành văn hóa, cán bộ phụ trách VH-TT&DL, hy vọng du lịch Bình Dương bước sang năm mới sẽ khởi sắc hơn. Đặc biệt, việc thu hút khách du lịch đến với các khu DT không chỉ để tham quan mà còn tìm hiểu về đất, người Bình Dương.

T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên